Sự xuất hiện của EVFTA và bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh COVID-19

11:33 | 23/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đúng vào thời điểm EVFTA có hiệu lực, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua nhằm thu hút đầu tư thời COVID-19, EVFTA càng trở nên có ý nghĩa quan trọng.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là 2 FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn; được kỳ vọng sẽ có đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam; từ đó giúp các DN, các nhà đầu tư của các nước, của Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại các thị trường.

Điểm nhấn các cam kết của EVFTA

EVFTA là hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất, với 99,2% số dòng thuế sẽ được Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh những ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đặt ra các điều kiện hết sức chặt chẽ về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này, nếu không đáp ứng được thì các DN Việt Nam không thể tận dụng được các ưu đãi, lợi thế từ Hiệp định này mang lại.

Đây là thách thức rất lớn đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu, do đó, Việt Nam cần phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng đổi mới và thay đổi tư duy… khi thực thi EVFTA. EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ, cụ thể:

Thương mại hàng hóa: EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (gồm: Một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao...).

EU cũng cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất sang thị trường EU.

Sự xuất hiện của EVFTA và bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 - ảnh 1

EVFTA đến đúng thời điểm vàng cho Việt Nam

Các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại: Theo cam kết tại Hiệp định này, 2 bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của Hiệp định TBT trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc liên quan đến SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật.

Quy tắc xuất xứ: Hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu sau: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu, nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…

Thương mại dịch vụ và đầu tư: Việt Nam và EU cam kết về thương mại dịch vụ đầu tư trong EVFTA hướng tới tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các DN 2 bên. Cam kết của EU đối với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất trong các FTA gần đây của EU.

Cam kết của Việt Nam cho EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam thực hiện với các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại.

Kinh tế Việt Nam trong đại dịch và những kỳ vọng từ EVFTA

Trước đó, vào ngày 31/7, 1 ngày trước khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực sau 10 năm đàm phán, tại TP HCM, Diễn đàn trực tuyến thương mại và công nghiệp với đối tác liên minh châu Âu "EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững", đã diễn ra.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết tại diễn đàn, chỉ tính riêng trong 18 năm gần đây, giá trị thương mại 2 chiều đã tăng hơn 14 lần từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD trong năm 2019.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU tăng 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt gần 15 tỷ USD Mỹ.

Đầu tư trực tiếp 5 tháng đầu năm 2020, EU có 26/27 nước đầu tư vào Việt Nam với 2040 dự án với tổng mức đầu tư đạt trên 21 tỷ USD.

Sự xuất hiện của EVFTA và bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 - ảnh 2

"EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế", ông Vượng nhận định.

Còn theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội EuroCham, trong báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho thấy, có 74% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu trả lời khảo sát cho rằng EVFTA tác động tích cực.

"Hiện hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng nặng từ COVID-19, EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại đầu tư, tạo cơ hội lâu dài, định hình mối quan hệ 2 bên EU - Việt Nam trong 20-30 năm tới, tạo động lực lớn để doanh nghiệp châu Âu quyết định đầu tư vào môi trường vừa an toàn, phát triển nhanh như Việt Nam", ông Boulflet nói.

Trao đổi trên tờ Tạp chí Tài chính điện tử, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nếu nhận định:  EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. 

Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Cùng đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Đúng vào thời điểm EVFTA có hiệu lực, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua nhằm thu hút đầu tư thời COVID-19, EVFTA càng trở nên có ý nghĩa quan trọng.

Báo Hải Quan nêu ý kiến của PGS.TS Chu Hoàng Long, tại Đại học Quốc gia Australia (ANU): EVFTA đưa Việt Nam vào một vị trí thuận lợi trong trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành, xuất phát từ những ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch.

Còn ông Trần Ngọc Quân, Trưởng đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đánh giá Việt Nam có thể biến thách thức của đại dịch COVID-19 thành cơ hội nếu làm tốt được khâu xúc tiến thương mại trực tuyến, giao dịch điện tử vì khi kinh tế suy giảm, theo lý thuyết các nhà nhập khẩu sẽ tìm nguồn hàng có giá cạnh tranh, và hàng hóa Việt Nam sẽ là một lựa chọn thích hợp.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ) với kim ngạch 2 chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Lệ Vỹ (T/h)