Tác động kép với doanh nghiệp xuất khẩu khi ông Trump tái đắc cử
Chính sách thuế của ông Donald Trump sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi?
Trong báo cáo phân tích các chính sách kinh tế của tổng thống Mỹ - Donald Trump vừa công bố, Chứng khoán BSC cho biết, các chính sách liên quan đến kinh tế là một trong những vấn đề được dự báo sẽ có nhiều tác động đến các quốc gia xuất khẩu sản phẩm vào quốc gia này.
Theo đó, ông Trump có kế hoạch áp thuế suất 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, với mức thuế suất vượt quá 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dưới góc độ tích cực, trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia xuất khẩu khác (trong đó có Việt Nam). Tuy nhiên, tác động tiêu cực là thương mại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của ông Donald Trump.
Tác động 2 chiều đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Thống kê từ Tổng cục Hải Quan và Bộ Công thương, có nhiều mặt hàng từ Việt Nam đang được Mỹ ưa chuộng, có kim ngạch xuất khẩu lên tới chục tỷ USD/năm như: Dệt may, thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị…
BSC phân tích, cơ bản các mặt hàng dệt may, giày dép xuất khẩu hiện nay đang chịu mức thuế nhập khẩu trung bình vào Mỹ ở khoảng 4% - 8%. Trong nhiệm kỳ lần thứ 2 của ông Trump, BSC cho rằng mức thuế xuất trên sẽ được duy trì hoặc tiếp tục tăng trong bối cảnh chênh lệch thương mại Việt - Mỹ ngày càng lớn. Điều này sẽ phần nào làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ có giá thành thấp như Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập,...
Tuy nhiên, đơn vị phân tích này tin rằng với lợi thế tay nghề cao, làm được hàng khó, hàng giá trị gia tăng cao cùng với việc đáp ứng các tiêu chuẩn ESG, tình hình chính trị ổn định vẫn là điểm hút lượng đơn về cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh xu hướng Trung Quốc +1 được kỳ vọng gia tăng mạnh.
Còn với thuỷ sản, cá tra là một trong những số ít mặt hàng hiện đang chịu mức thuế suất 0% đối với cả 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chính của Việt Nam là Vĩnh Hoàn (mã: VHC), Nam Việt (mã: ANV) và Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (mã: IDI). BSC cho rằng mức thuế này sẽ được duy trì trong nhiệm kỳ tới của ông Trump, khi cơ bản cá tra xuất khẩu Việt Nam được cho là không bán phá giá tại thị trường Mỹ.
Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, VHC vẫn được giữ mức thuế 0% nhờ không bán phá giá, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, quy trình điều tra, kiểm tra chống bán giá của Mỹ sẽ gắt gao hơn so với chu kỳ trước.
Theo nhận định từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), từ năm 2019-2023, cá tra luôn nằm trong top 5 sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Do đó, việc Mỹ có Tổng thống mới, đi kèm với các chính sách mới, tác động rất lớn đến các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp xuất khẩu.
Mỹ là nhà nhập khẩu cá tra nhiều thứ 2 thế giới của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2022 và 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam lần lượt đạt hơn 2,4 tỷ USD và hơn 1,8 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ lần lượt đạt 527 triệu USD, chiếm 22% tỷ trọng và 271 triệu USD, chiếm 15% tỷ trọng. Ngoài ra, số liệu mới nhất của Trung tâm thương mại thế giới (ITC) cho biết, kể từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, phile cá tra đông lạnh vượt qua phile rô phi đông lạnh và trở thành sản phẩm cá thịt trắng được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ. Rõ ràng, người Mỹ vẫn luôn có nhu cầu với cá tra Việt Nam.
Vasep đánh giá, ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của chính quyền Trump. Với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết”, chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10 - 20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, trường hợp Trung Quốc bị đánh thuế cao sẽ tạo ra khoảng trống, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
Tương tự, Mỹ là thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tính tới 15/10, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt gần 600 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Lượng hàng tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm, triển vọng kinh tế tích cực hơn phần nào giúp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan hơn.
Theo số liệu của FAS.USDA, trong 9 tháng đầu năm 2024, NK tôm vào Mỹ từ Việt Nam ghi nhận tích cực hơn các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan.
Ngày 22/10 mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador và Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn của Việt Nam (2,84%). Tôm Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.
“Sự kiện ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ có tác động tới NK hàng hóa trong đó có thủy sản vào nước này. Sự kiện Tổng thống mới của Mỹ sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho XK tôm của Việt Nam, phụ thuộc vào mức thuế hàng hóa mà Chính quyền ông Trump sẽ áp dụng”, Vasep đánh giá.
Với gỗ và lâm sản, theo thông tin trên Người Lao động, tại buổi giới thiệu triển lãm quốc tế về nội thất thông minh và các xu hướng đột phá trong ngành gỗ tổ chức ngày 11/11, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới từ thị trường quốc tế.
Đáng chú ý là nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và EU đang giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nhiều đơn hàng từ các thị trường này sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ. Cùng với đó, các yêu cầu về nguồn gốc gỗ và sản xuất bền vững càng tăng áp lực lên các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp hiện phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe để tránh bị áp thuế cao.
Tại Mỹ, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang đối diện với khả năng bị điều tra chống bán phá giá, đặc biệt với các sản phẩm có nguồn gốc từ nước thứ ba, chẳng hạn như gỗ nhập từ Trung Quốc. Việc điều tra có thể dẫn đến biện pháp trừng phạt thuế suất cao nếu bị kết luận vi phạm, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển tàu biển vẫn cao, tình trạng thiếu container và các vấn đề logistics khiến chi phí vận chuyển tăng đáng kể do lạm phát và thiếu hụt lao động.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh TP HCM, cho biết, thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump từng áp dụng nhiều biện pháp đối với xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, đòi hỏi cân bằng thương mại. Tới đây, khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ngành gỗ có thể phải đối mặt với các biện pháp điều chỉnh nhưng cũng có thể hưởng lợi từ cơ hội thu hút đầu tư và phát triển.
Theo ông Huỳnh Quang Thông, tổng giám đốc Công ty gỗ Hiệp Long (Bình Dương), thị trường Mỹ chiếm đến hơn 40% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, đây là thị trường rất quan trọng, và việc ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ được kỳ vọng mở ra nhiều lợi thế cho Việt Nam.
"Mỹ có thể ra chủ trương áp thuế đối với các mặt hàng đồ gỗ nhập khẩu dao động 10 - 60%. Trong đó sản phẩm nhập từ thị trường Trung Quốc có thể vẫn bị Mỹ áp thuế cao, và chúng ta kỳ vọng mức thuế suất áp cho Việt Nam thấp", ông Thông nhấn mạnh.
Còn với ngành hàng săm lốp, theo kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào tháng 5 năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe từ Việt Nam sang Mỹ chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp: 6,23% - 7,89%. Mức thuế này được áp dụng đối với 3 doanh nghiệp săm lốp FDI, trong khi đó Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) và Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã: CSM) không chịu mức thuế này. BSC cho rằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam như DRC, CSM có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm của mình nên có thể hạn chế được tác động của các cuộc điều tra chống bán phá giá.