Tại sao giá vàng thế giới “giảm sốc” nhưng tại Việt Nam vẫn cao?

16:17 | 01/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn vàng thế giới từ 5-7 triệu đồng/lượng cho dù giá vàng thế giới “giảm sốc”.

Người tiêu dùng mất cơ hội mua vàng giá rẻ

 
Theo nld.com.vn, ngày 26-2, giá vàng thế giới lao dốc một mạch từ vùng 1.800 USD/ounce còn quanh mức 1.758 USD/ounce (cuối ngày, theo giờ Việt Nam), giảm hơn 40 USD/ounce, tương đương mức giảm 1,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ còn khoảng 48,9 triệu đồng/lượng.
 
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc SJC Phú Thọ, cho biết giá vàng thế giới "bốc hơi" trên 40 USD/ounce trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, các cổ phiếu đồng loạt giảm và vàng cũng không ngoại lệ. Đồng thời, lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát biểu rằng việc tăng cung tiền tệ từ các gói kích thích kinh tế không làm tăng khả năng lạm phát, "bóng ma" lạm phát chưa trở lại và vẫn trong mức kiểm soát… Những yếu tố này khiến giá vàng thế giới lao dốc.
 
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới đang ở xu hướng giảm do các kênh đầu tư mạo hiểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hơn như chứng khoán, tiền kỹ thuật số... Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh đánh giá dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư an toàn như vàng sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, việc các quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn và cả ngân hàng (NH) trung ương một số nước có động thái bán vàng ra liên tục gần đây gây tiêu cực lên giá vàng.
 
 
Tại sao giá vàng thế giới “giảm sốc” nhưng tại Việt Nam vẫn cao? - ảnh 1
Người tiêu dùng mất cơ hội mua vàng giá rẻ
 
 
"Kinh tế thế giới được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi nhờ dịch bệnh dần được kiểm soát và vắc-xin Covid-19 trở nên phổ biến hơn. Do đó, giá vàng sẽ khó khởi sắc trong ngắn hạn" - ông Phan Dũng Khánh nói.
 
Trong khi giá vàng thế giới lao dốc, thị trường vàng trong nước lại khá trầm lắng, giá vàng SJC thậm chí giảm nhỏ giọt. Cuối ngày, giá vàng SJC được các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM niêm yết phổ biến quanh mức 55,8 triệu đồng/lượng mua vào, 56,2 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn giá thế giới hơn 7 triệu đồng/lượng.
 
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K có xu hướng giảm mạnh hơn khi được các DN kéo về mức 53,4 triệu đồng/lượng mua vào, 54 triệu đồng/lượng bán ra, giảm tới 650.000 đồng/lượng so với hôm trước nhưng vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng.
 
Thị trường vàng trong nước không chỉ trầm lắng về giá mà cả lượng giao dịch, sau dịp Thần Tài với nhu cầu mua vàng cầu may tăng cao. Đến giờ, một số DN cho biết nhu cầu giao dịch giảm trở lại. Điều này được phản ánh qua biên độ chênh lệch giá mua - giá bán mà các DN giữ ở mức chỉ khoảng 400.000 đồng/lượng với vàng SJC và khoảng 600.000 đồng/lượng với vàng trang sức mỹ nghệ.
 
"Bỏ vốn khoảng 56 triệu đồng/lượng để giao dịch lấy chênh lệch tầm 400.000 đồng/lượng nhưng cả những DN vàng lớn cũng vắng bóng người mua lẫn người bán vàng" - một chuyên gia vàng nhận định.
 

Không tự chủ nguồn cung dẫn đến giá vàng trong nước vẫn cao

Nguyên nhân của việc giá vàng trong nước vẫn cao là việc không được tự chủ nguồn cung luôn khiến các doanh nghiệp bị động trong việc cân đối lượng vàng mua - bán trên thị trường, dẫn tới giá trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới. Sau một vài phiên phục hồi trở lại trên vùng 1.800 USD/ounce, giá vàng thế giới đang tiếp tục gặp khó tại ngưỡng hỗ trợ quan trọng này và giảm về giao dịch quanh vùng 1.792,3 USD.

 
 
Tại sao giá vàng thế giới “giảm sốc” nhưng tại Việt Nam vẫn cao? - ảnh 2
Không được tự chủ nguồn cung luôn khiến các doanh nghiệp bị động trong việc cân đối lượng vàng mua - bán trên thị trường
 
Tuy không phải mốc thấp nhất 8 tháng nhưng đây đã là vùng thấp nhất mà kim loại quý giao dịch kể từ tháng 11/2020 đến nay.
 
Trong khi đó, diễn biến giá vàng trong nước có xu hướng ổn định hơn khi hầu hết doanh nghiệp vẫn niêm yết giá mua vào trên 56 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra hiện ở quanh vùng 56,5 triệu đồng.
 
Việc lệch pha trong diễn biến giá trong nước và thế giới từ đầu năm 2021 đang khiến chênh lệch giữa 2 thị trường này ở mức rất cao.
 
Hiện vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 50 triệu đồng/lượng, thấp hơn tới 6,5 triệu đồng so với giá vàng miếng trong nước. Mức chênh lệch kể trên cao gấp 3-4 lần so với những năm trước đây.
 
Lý giải xu hướng này, ông Trần Thanh Hải, chuyên gia về thị trường kim loại quý cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
 
Thứ nhất, giá vàng thế giới giảm thời gian qua chủ yếu do tác động của đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, điều này không đến từ việc nền kinh tế Mỹ phục hồi mà đến từ việc các nền kinh tế lớn khác trên thế giới cũng suy yếu và yếu hơn kinh tế Mỹ. Vì vậy, chỉ số USD Index vẫn ghi nhận mức tăng và tác động làm giảm giá vàng. “Đây là lý do trực tiếp ảnh hưởng tới giá vàng, ngoài ra không có lý do cơ bản nào tác động tiêu cực đến thị trường vàng”, ông Hải nhấn mạnh.
 
Cụ thể, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Mỹ và nhiều nước cũng đang liên tục tung ra các gói kích cầu mới, lãi suất thị trường ở mức thấp... Những chính sách tài khóa và tiền tệ này về nguyên tắc vẫn tốt cho giá vàng.
 
Có một số ý kiến cho rằng giá vàng suy yếu thời gian qua do tác động từ việc quỹ đầu cơ vàng lớn nhất thế giới SPDR bán ra, thị trường chứng khoán tăng, và dòng tiền dịch chuyển từ vàng sang tiền kỹ thuật số... Tuy nhiên, đây chỉ là những yếu tố nhỏ, không tác động trực tiếp tới đà giảm của kim loại quý.
 
“Việc Elon Musk đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và đẩy giá đồng tiền ảo này lên trên 50.000 USD chưa hẳn là động cơ trực tiếp khiến giá vàng giảm. Nó chưa đủ lớn để nhà đầu tư phải dịch chuyển tài sản từ vàng sang tiền ảo”, ông Hải nhấn định.
 
Nguyên nhân thứ hai khiến vàng trong nước đắt hơn thế giới, ông Hải cho biết trong những tháng cuối năm 2020 do tình hình phòng chống dịch Covid-19 từ Chính phủ, việc buôn bán biên mậu vàng diễn ra khó khăn. Điều này đã khiến nguồn cung vàng biên mậu thấp hơn cùng kỳ, nên việc vàng trong nước đắt hơn thế giới là dễ hiểu.
 
“Hiện tại, các nhà kinh doanh vàng trong nước đều niêm yết giá mua - bán chênh nhau 500.000-600.000 đồng/lượng. Điều này cho thấy doanh nghiệp vàng bán giá cao nhưng cũng sẵn sàng mua vào với giá cao”, ông Hải cho biết.
 
Xu hướng này có nguyên nhân từ Nghị định 24/2012 khiến thị trường vàng trong nước là một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, chuỗi cung ứng vàng miếng bị đứt đoạn vì thuộc phạm vi độc quyền của Nhà nước. Các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI, PNJ đều phải mua được vàng mới có thể bán được, trường hợp không mua được đủ lượng vàng, doanh nghiệp buộc phải neo giá bán cao.
 
Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn cung cho ngày vía Thần Tài vừa qua, các doanh nghiệp đã phải mua vào lượng lớn vàng trước Tết với giá cao để làm sản phẩm. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp không thể giảm giá bán xuống, nếu không sẽ dẫn tới thua lỗ.
 
Minh Hoa