Ngân hàng Nhà nước cập nhật tiến độ sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng

Lê Phương 20:54 | 08/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 8/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Vàng bày bán tại một cửa hàng kinh doanh Công ty vàng bạc Bảo Tín Mạnh Hải. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, trong những tháng đầu năm, do nhiều yếu tố khách quan tác động, giá vàng thế giới liên tục tăng và phá vỡ các kỷ lục trước đó. Trong nước, giá vàng SJC diễn biến cùng chiều tăng với giá vàng thế giới. Với các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp với các cơ quan chức năng, cho đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp, còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 5-7%; có thời điểm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 1-2%.

Cùng với những giải pháp quản lý thị trường vàng đang thực hiện và để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc xây dựng Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đầu tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn đến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để lấy ý kiến và dự thảo Nghị định cũng đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước để lấy ý kiến. 

Thông tin thêm việc sửa đổi Nghị định 24, ông Đào Xuân Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thể chế hóa các chỉ đạo và đã xin ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự thảo Nghị định. 

"Chúng tôi đang tổng hợp các ý kiến và sẽ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, cố gắng đạt được mục tiêu trình Chính phủ trước ngày 15/7 như chỉ đạo của Thủ tướng", ông Đào Xuân Tuấn nhấn mạnh. 

Trước đó, tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025.

Được ban hành từ năm 2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ thực thi, những biến động mạnh mẽ của thị trường cùng sự thay đổi trong môi trường kinh tế đã khiến nhiều quy định trong Nghị định này trở nên lạc hậu. Khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, cùng những hạn chế về cạnh tranh và minh bạch trên thị trường vàng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, cập nhật khung pháp lý quản lý lĩnh vực này.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực thi Nghị định 24, làm cơ sở xây dựng định hướng điều hành mới, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tăng cường hiệu quả quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24. Dự thảo này đã được cơ quan điều hành tiền tệ chính thức công bố, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý thị trường vàng hiện nay.

Theo đó, dự thảo Nghị định không chỉ cập nhật các khái niệm pháp lý mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh sang các hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ, vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo lần này là đề xuất chấm dứt cơ chế độc quyền Nhà nước trong sản xuất vàng miếng, từ đó tạo điều kiện cho thị trường phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh hơn. Bên cạnh đó, các điều kiện cấp phép kinh doanh vàng cũng được siết chặt, đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát để đảm bảo tuân thủ pháp luật và minh bạch hoạt động trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên TTXVN xoay quanh những điểm mới tại dự thảo Nghị định 24, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, vàng không đơn thuần chỉ là một loại hàng hóa như nhiều mặt hàng khác, mà còn gắn liền với các yếu tố quan trọng như tỷ giá hối đoái, dòng vốn và sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. Do đó, việc mở rộng quyền tham gia sản xuất vàng miếng ra ngoài khu vực nhà nước cần đi kèm với một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để vừa kiểm soát được rủi ro, vừa đảm bảo thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, nếu mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất và kinh doanh vàng miếng, cơ quan quản lý cần thiết lập bộ tiêu chí cấp phép với yêu cầu cao như doanh nghiệp phải có vốn điều lệ lớn, từ 500 đến 1.000 tỷ đồng, hệ thống kiểm soát nội bộ đạt chuẩn quốc tế, có kiểm toán độc lập và có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Ngoài ra, không thể thiếu các quy định giám sát chặt chẽ sau cấp phép, bao gồm việc báo cáo định kỳ, kiểm tra bất ngờ và áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc với hành vi đầu cơ, thao túng giá trên thị trường vàng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng nhấn mạnh cần bảo đảm sự cân bằng giữa quyền quản lý của Nhà nước và quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với vàng. Nếu chính sách quản lý được thiết kế quá cứng nhắc, như siết chặt việc mua bán, cất giữ hay chuyển nhượng vàng, có thể dẫn tới tình trạng người dân chuyển sang giao dịch ngầm, tạo điều kiện cho thị trường phi chính thức phát triển và gây bất ổn không đáng có. Giải pháp hiệu quả không nằm ở việc kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính mà là ở cơ chế minh bạch hóa giao dịch thông qua kê khai bắt buộc, truy xuất nguồn gốc và thanh toán điện tử.

“Chúng ta nên tiến tới đưa vàng vào hệ thống kiểm soát tài sản tài chính chính thức. Đây là bước đi phù hợp với xu hướng quốc tế trong công cuộc chống rửa tiền và kiểm soát dòng vốn”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm.