Tại sao nhiều phi công Vietnam Airlines đồng loạt xin nghỉ việc?

13:06 | 04/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thời gian vừa qua, nhiều phi công của Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) đồng loạt xin nghỉ việc. Nhóm phi công này cho rằng mức lương họ nhận được thấp nhất trong 3 hãng hàng không tại Việt Nam.

Báo VnExpress đưa tin, trong tháng 5, một nhóm phi công Vietnam Airlines (VNA) đã gửi kiến nghị đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về các nội dung của thông tư 41 và thông tư 21 của Bộ Giao thông vận tải.

Trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập trong Thông tư 41 của Bộ Giao thông vận tải vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn xin thôi việc. Cụ thể, thông tư 41 và thông tư 21 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải chấm dứt hợp đồng. Người lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại.

Tại sao nhiều phi công Vietnam Airlines đồng loạt xin nghỉ việc? - ảnh 1
Đây không phải lần đầu tiên các phi công của Vietnam Airlines thể hiện ý định nghỉ việc tập thể với một trong các nguyên nhân là lương thưởng không thỏa đáng. (Ảnh minh họa: Zing.vn)

Trong khi đó, Bộ Luật Lao động quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày”. Ngoài ra, quy định "Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chỉ có chứng chỉ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng cho người học trong thời gian đi học…”.

Đơn kiến nghị nêu: "Dựa vào hai thông tư của Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airlines đã đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý và quá lớn so với người lao động (từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng) nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ luật Lao động.

Báo VietNamNet thông tin, sau khi nhận đơn kiến nghị của phi công Vietnam Airlines, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến Bộ Giao thông vận tải để giải quyết theo thẩm quyền.

Trả lời phỏng vấn báo VnExpress, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trong tháng 5, hãng đã ghi nhận có 7 phi công nộp đơn xin thôi việc. Đây đều là những người được đào tạo theo chế độ của Nhà nước, tuy nhiên mức bồi hoàn của từng người là khác nhau theo từng chương trình học ở nước ngoài. Mức thấp nhất mà phi công phải bồi hoàn là khoảng 200 triệu đồng.

"Chúng tôi thực hiện các quy định khi phi công nghỉ việc theo thông tư của Bộ Giao thông vận tải, phi công được Nhà nước đầu tư đào tạo thì có trách nhiệm bồi hoàn khi chấm dứt hợp đồng", ông này cho biết.  

Trong buổi gặp mặt phi công với ban lãnh đạo Tổng công ty sáng 30/5 để giải quyết những vướng mắc, ông Phạm Tiến Ngà, giáo viên huấn luyện, kiêm cơ trưởng lái máy bay A350, cho biết đã làm việc tại Vietnam Airlines lâu năm nhưng mức lương mà công ty chi trả cho ông chưa tương xứng. So với các hãng khác, mức này đang thấp nhất trong 3 hãng hàng không tại Việt Nam. Không chỉ ông, các phi công tại đây cũng đang chịu mức lương thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài. Cũng chính vì lương thưởng không tương xứng nên hiện nhiều phi công đã nộp đơn xin thôi việc.

“Trong nhóm A320 do tôi quản lý có 12 cơ phó nộp đơn thôi việc, tương đương sẽ có 2 tàu bay không thể bay. Tôi dù chưa nộp đơn nhưng nếu lãnh đạo không có giải pháp tốt, tôi sẽ nộp và chịu đền bù”, ông Ngà nói và đề nghị lãnh đạo hãng cần xây dựng chính sách dài hạn, đưa ra mức lương thưởng đột phá để giữ chân nhân tài.

Trao đổi với VnExpress về những bức xúc trên, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines lý giải, việc các phi công của hãng so sánh mức lương với các đơn vị cùng ngành khác là chưa chính xác và thuyết phục. Bởi lẽ, ngoài mức lương, hãng còn có nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt. Thêm vào đó, hãng là doanh nghiệp Nhà nước, thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải nên điều chỉnh lương cần phải có lộ trình. Hiện, trong quá trình xét duyệt lương, mức lương dành cho phi công đang được ưu tiên nhất và được điều chỉnh liên tục. 1/6 là đợt điều chỉnh mạnh nhất của hãng. Tất cả nhân viên đều được áp dụng chế độ lương mới, trong đó, phi công có người được tăng tới 20%, có thể tăng thêm tới 40 triệu đồng một tháng một người với cá nhân có trình độ cao.

Đối với phi công nước ngoài, sở dĩ họ có mức lương cao hơn người Việt là vì chi phí tiêu dùng, vật giá quốc gia họ ở cao, đồng thời, phát sinh nhiều chi phí khác khi làm việc xa quê hương.

Theo thông tin trên Zing.vn, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/6, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết 2 Thông tư 41/2015 và 21/2017 thay thế Thông tư 41 của Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh các quy định về lao động trong lĩnh vực hàng không.

Ông nhấn mạnh hàng không là lĩnh vực đặc biệt liên quan đến an toàn, an ninh hàng không, do đó cần tuân thủ các hiệp định, nghị định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) một cách rất khắt khe. Ngoài ra, để đào tạo các nhân viên trong ngành, đặc biệt là phi công hoặc tổ lái phải mất rất nhiều thời gian và qua nhiều quy trình.

Thứ trưởng Nhật dẫn lại Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006, đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chế độ lao động đặc thù với các nhân viên hàng không. Căn cứ vào đó, Bộ trưởng xây dựng Thông tư 41/2015, nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017.

Theo ông Nhật, thông tư quy định nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Sở dĩ quy định 120 ngày là để có thời gian tuyển dụng, đào tạo. Ông nhấn mạnh thay thế một phi công là cả một quá trình.

Còn với quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động, Thứ trưởng cho rằng quy định người lao động hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Như vậy, Bộ luật Lao động chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định mức độ tối đa số ngày.

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng.

“Nguyên nhân ưu tiên Luật Hàng không dân dụng vì sự an toàn, an ninh hàng không. Ngành hàng không là ngành rất đặc biệt nên mọi quy định trong các thông tư đều quản lý rất nghiêm ngặt. Hiện nay như Vietjet Air có 76% phi công thuê từ nước ngoài, nếu quản lý không chặt thì rất phức tạp. VNA thuê 25% từ nước ngoài nên việc quản lý các nhân lực lao động này thực sự cũng là vấn đề phức tạp”, ông nói.

My Anh (T/h)