Tăng cường hỗ trợ ngành bán lẻ để thúc đẩy tăng trưởng hậu COVID-19

13:24 | 04/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành bán lẻ Việt Nam cũng chịu thiệt hại nặng nề của dịch COVID-19 do sức mua của xã hội giảm. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ mà ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác.

Chưa có các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiệu quả

Đại dịch COVID-19 đang tạo nên một cơn bão quét qua hầu như tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, người dân thắt chặt chi tiêu cùng với các hoạt động phòng chống dịch khiến doanh thu của ngành sút giảm nghiêm trọng. So với cùng kỳ 2019, tới nay số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ngành này đã tăng tới 21%.
 
Nhằm đối phó với các tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp các khoản thuế và tiên thuê đất. Đối tượng được hưởng Nghị định này rất nhiều, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng, vận tải,…Tuy vậy, ngành bán lẻ lại không nằm trong số đó. 
 
nganh ban le viet nam
Ngành bán lẻ Việt Nam vẫn phải căng sức phục vụ dù gặp muôn vàn khó khăn
 

 
Saigon Co.op là một ví dụ cho tình trạng trên. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, doanh thu của thương hiệu giảm nhanh chóng. Các khách hàng thuê mặt bằng cũng xin giảm giá hoặc rút hàng loạt. Thương hiệu cũng phải căng mình triển khai nhiều giải pháp và tăng kinh phí để phòng chống đại dịch.
 
Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng nằm trong Ban chỉ đạo chống dịch của TP.HCM. Thương hiệu vừa phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường vừa cung cấp nhu yếu phẩm cho các khu cách ly. Điều này khiến khó khăn lại càng chồng chất thêm khó khăn. 

Cần các chính sách mạnh để tăng chi tiêu xã hội

Trước những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ cả nước, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra các giải pháp phù hợp. Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng hàng hóa đã được đưa ra trong thời gian qua.
 
“Đối với công cụ tăng kích thích tiêu dùng, chúng tôi đã đề xuất chương trình in và phát voucher đối với hàng tiêu dùng và sản xuất trong nước, đối tượng thụ hưởng là công nhân có thu nhập thấp. Hỗ trợ DN phân phối các mặt hàng thiết yếu với những đề xuất: Hỗ trợ 10% kinh phí thuê mặt bằng; 10% kinh phí thuê kho; 10% chi phí tiền điện; 10% chi phí vận chuyển với thời gian 6 tháng. Đối tượng thụ hưởng là DN phân phối, thực hiện dự trữ, lưu thông mặt hàng, bình ổn thị trường và phục vụ việc cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19”, ông Đông cho biết. 
 
Không những vậy, các cơ chế, chính sách và chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kinh doanh ở các địa phương khác nhau vẫn đang được đẩy nhanh thực hiện.
 
nganh ban le viet nam
Đã tới lúc ngành bán lẻ Việt Nam cũng cần phải được hỗ trợ
 
Trong tương lai, Vụ Thị trường trong nước sẽ đề xuất Bộ Công Thương có những kiến nghị hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Các biện pháp này sẽ được thực hiện dựa trên 2 động lực chính là kích thích tiêu dùng và tăng chi tiêu Chính phủ.
 
Các hệ thống phân phối sẽ có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online, đi chợ hộ, bán hàng qua điện thoại…; thêm nguồn lực giúp hệ thống phối tăng khả năng hoạt động, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong điều kiện dịch Covid-19.
 
Đồng thời, các hệ thống phân phối cũng được hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để có thể đầu tư vào thương mại đa kênh… Hỗ trợ chi phí hoạt động của các điểm bán hàng dã chiến, bán hàng lưu động tại khu vực cách ly; hỗ trợ chi phí dịch vụ internet, chi phí phát sóng đối với hệ thống bán hàng đa kênh; miễn thuế VAT đối với hàng hóa phục vụ tại khu vực cách ly. Thời gian cho những hỗ trợ này là 12 tháng và tính từ ngày 31/8/2020...