Tăng cường năng lực cho DNNVV trong lĩnh vực logistics

08:09 | 01/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bên cạnh các giải pháp như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp ngành logistics, nghiên cứu quy hoạch tuyến đường lưu thông xe container..., Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực logistics.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng cường năng lực cho DNNVV Việt Nam trong lĩnh vực logistics cho thấy, doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, 90% số doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế, mà mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi logistics, nhiều DNNVV logistics Việt Nam còn hoạt động phân tán, đơn lẻ, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế trong quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin. 

Từ những hạn chế trên, bên cạnh các giải pháp như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp ngành logistics, nghiên cứu quy hoạch tuyến đường lưu thông xe container, Bộ KH&ĐT đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho DNNVV trong lĩnh vực logistics.

Mục tiêu trước hết là tăng cường năng lực tài chính cho DNNVV logistics Việt Nam. Theo Bộ KH&ĐT, DNNVV logistics gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại do thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế trong hệ thống sổ sách, quản trị và xây dựng kế hoạch kinh doanh. 

Tăng cường năng lực cho DNNVV trong lĩnh vực logistics - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo Bộ KH&ĐT, Luật Hỗ trợ DNNVV đã đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho DNNVV, trong đó có DN logistics.

Cụ thể, trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng thông qua các quỹ  bảo lãnh tín dụng cho DNNVV…

Về giải pháp tăng cường liên kết giữa các DNNVV logistics Việt Nam, Bộ KH&ĐT cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV đã đưa ra nhóm giải pháp trọng tâm để hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề này như: Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển thương hiệu…

Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV trong lĩnh vực logistics, theo Bộ KH&Đ, cần thực hiện đồng thời các giải pháp đào tạo cho nhân lực hiện tại của doanh nghiệp và thúc đẩy nguồn cung nhân lực ngành logistics trong tương lai.

Đơn cử: Tổ chức đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động làm việc tại các DNNVV logistics. Hiện tại, Bộ KH&ĐT đang triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, VLA cần phối hợp với Bộ triển khai hoạt động đào tạo cho các doanh nghiệp trong ngành.

Về giải pháp tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong các DNNVV logistics Việt Nam, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh cần thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực logistics.

Giải pháp này đang được Chính phủ triển khai, bước đầu là ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV.

Nghị định này nhằm mục tiêu khơi thông dòng vốn của khu vực tư nhân vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có lĩnh vực logistics. Bên cạnh đó, việc xem xét ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai theo định hướng Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các DNNVV dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới.