Tăng cường sự kết nối startup với doanh nghiệp lớn
(DNVN) - Những đế chế công nghệ chính là những người khởi nghiệp. Như vậy, các doanh nghiệp lớn phải cảm ơn những nhà khởi nghiệp.
Đây là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến "Vai trò của Doanh nghiệp lớn/Tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp" do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Lý giải điều này, Chủ tịch VCCI nhận định, các doanh nghiệp lớn thường có bộ máy hoạt động hoàn chỉnh quá, chuyên nghiệp quá…, điều này đôi khi khiến các doanh nghiệp ít thoát ra khỏi khuôn khổ sẵn có đó. Nếu doanh nghiệp lớn “đóng khung” như vậy, không liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp startup thì các doanh nghiệp nhỏ này sẽ khó sáng tạo phát triển.
Theo ông Lộc đánh giá, dường như chúng ta đề cao quá lớn vai trò của doanh nghiệp lớn đối với những nhà khởi nghiệp, nhưng chính những nhà khởi nghiệp mới giúp các doanh nghiệp lớn phát triển".
“Những doanh nghiệp lớn thường hoàn chỉnh quá, chỉn chu quá, họ thường đóng khung và ít dám thoát ra bên ngoài. Nên nếu không liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, các startup, thì các doanh nghiệp lớn sẽ không phát triển. Startup chính là nguồn năng lượng của các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn chỉ mạnh khi tạo mối quan hệ cộng sinh với các startup công nghệ”, ông Lộc nêu quan điểm.
Theo ông Lộc, cả hai đều cần tương hỗ. Doanh nghiệp lớn hỗ trợ startup và doanh nghiệp nhỏ như chính nhu cầu của họ, chứ không phải làm từ thiện. Doanh nghiệp lớn là nền tảng để doanh nghiệp nhỏ, startup đưa công nghệ, sự sáng tạo của mình vào để phát triển.
“Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lớn chính là đào tạo các thế hệ doanh nhân, các doanh nghiệp tốt cho tương lai, cho đất nước. Việc thực hiện trọng trách xây dựng thế hệ doanh nhân cho đời sau là sứ mệnh của các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn hãy đặt các nhà khởi nghiệp lên vai mình. Điều này sẽ quyết định sự phát triển của đất nước”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn APEC, cái thiếu lớn nhất của startup Việt là trải nghiệm, kiến thức, ước mơ và tầm nhìn. Vì thế, các startup không thể kết nối được với các doanh nghiệp lớn để nhận sự hỗ trợ.
Ông Lăng thẳng thắn bày tỏ: “Hiện chúng tôi thành lập quỹ khởi nghiệp 5 triệu đô la, tuy nhiên để giải ngân thì rất khó. Chúng tôi tìm mỏi mắt mà không thấy startup phù hợp. Khi hỏi giấc mơ của startup là gì? Các em thường nói giấc mơ quá nhỏ bé, đó là kiếm 1-2 triệu đô la trong tương lai. Trong khi ông chủ của Facebook lại có giấc mơ là thay đổi thế giới”.
Nói về vấn đề kết nối giữa startup với doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Eurowindow, cho biết, hiện Câu lạc bộ có 100 thành viên, đóng góp hơn 250.000 tỉ/năm.
“Tiêu chí của chúng tôi là hỗ trợ khởi nghiệp. Công tác khởi nghiệp được hình thành theo chuỗi, có sự hữu cơ với nhau, trong đó vai trò của doanh nghiệp lớn rất quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, ở góc độ doanh nghiệp lớn, nhu cầu của họ rất lớn, cần sự sáng tạo để áp dụng vào thực tiễn. Vấn đề vốn cũng không phải khó khăn đối với các doanh nghiệp lớn, vì quỹ đầu tư cho khởi nghiệp lớn. Họ luôn sẵn sàng làm bệ đỡ để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Môi trường, thị trường để starup ứng dụng hiện cũng rất nhiều. Ông Hồng khuyến nghị VCCI cần đứng ra kết nối với các startup, có một quỹ để hỗ trợ, và các doanh nghiệp lớn sẽ kết nối.
Còn bà Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật Lawpro chỉ ra hai điều lo lắng thường gặp của các doanh nghiệp khi khởi sự kinh doanh. Trước hết là chưa am hiểu về kinh doanh. Hiện phần lớn người làm kinh doanh có 5 vấn đề phải am hiểu, điều đầu tiên là am hiểu thị trường. Nhưng các bạn khởi nghiệp đa phần không xác định được mình cung ứng cho ai, mình nằm ở đâu trong chuỗi, do đó nhanh chóng khai sinh rồi khai tử.
Do đó, vị luật sư đề xuất các doanh nghiệp lớn cần chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kế hoạch phát triển 5-10-20 năm để các doanh nghiệp startup biết và có thể xác định sẽ phát triển trọng tâm điều gì, phát triển ở khâu nào trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn. Cái yếu và thiếu hiện nay của startup là thiếu và yếu thông tin, dẫn tới một chút biến động có thể bị "bẻ gãy" và "nuốt chửng".
Bên cạnh đó, theo bà Nga, điều lo lắng thứ hai nằm ở phần bên trong doanh nghiệp, đó là sợ sai, sợ thất bại, sợ mất tiền. Lấy ví dụ về việc Tổng thống Mỹ luôn có giờ chia sẻ tại các trường học, bà Nga cho rằng cần có những giờ online chia sẻ trực tuyến của các doanh nghiệp lớn với các startup. Nhiều Startup không phát triển được hệ thống do trở ngại về vấn đề quản trị điều hành kể cả khi có vốn. Do đó, startup cần những buổi chia sẻ từ các doanh nghiệp lớn.