Tăng lô giao dịch chứng khoán: Giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch?

10:13 | 05/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tăng lô giao dịch chứng khoán lên 1.000 cổ phiếu gây nhiều tranh cãi, trong đó, có ý kiến cho rằng, điều này có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch.
Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa tham khảo ý kiến về việc tiếp tục nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 10 lần, từ 100 cổ phiếu (mới triển khai từ 4/1/2021) lên 1.000 cổ phiếu nhằm giảm bớt số lệnh nhỏ trên hệ thống trong bối cảnh tình trạng tượng nghẽn xảy liên tục thời gian qua.
 
Hệ quả của thị trường tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng
 
Báo Giao thông đăng dẫn tính toán của ông Lê Hải Trà, người vừa đảm nhận chức vị Tổng Giám đốc HoSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch; đồng thời mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường.
 
 
Tăng lô giao dịch chứng khoán: Giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch? - ảnh 1
 Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa tham khảo ý kiến về việc tiếp tục nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 10 lần
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI, giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải nên cũng sẽ có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ, thị trường sẽ dừng hoạt động.
 
“Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi!’, ông Hưng nói.
 
Ông Hưng lý giải, giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 100.
 
“Đây là hệ quả của thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển của hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều”, Chủ tịch SSI nhận định.
 

Vì thị trường mà hi sinh nhà đầu tư nhỏ?

 
Cũng theo Báo Giao thông, ông Lê Hải Trà cho rằng, việc nâng lô lên 1.000 đơn vị có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. “Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, sẽ có bảng giao dịch lô lẻ, và chúng ta cũng hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay", ông Trà cho biết.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng lô là ngăn trở nhà đầu tư nhỏ trực tiếp sở hữu các cổ phiếu Bluechip khi thị giá các cổ phiếu này được giao dịch ở mức cao. Ví dụ, cổ phiếu VNM chiều 4/3 được giao dịch 103.400 đồng/cổ phiếu, nếu mua tối thiểu 1 lô (theo quy định 1.000 đơn vị) thì nhà đầu tư phải bỏ ra 103.400.000 đồng, thay vì chỉ cần 10.340.000 đồng như quy định hiện nay.
 
Hay cổ phiếu VIC chiều 4/3 được giao dịch với 106.900 đồng/cổ phiếu. Nếu mua lô tối thiểu hiện nay chỉ cần bỏ ra 10.609.000 đồng nhưng nếu nâng lên lô 1.000 thì nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra 106.900.000 đồng mới sở hữu được cổ phiếu này.
 
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, thị giá cổ phiếu cao nhất sàn HoSE hiện là VCF, RAL (khoảng 230.000 đồng/cổ phiếu). Với lô 100 đang áp dụng, nhà đầu tư chỉ cần tối đa 23.000.000 đồng là có thể sở hữu 1 lô chứng khoán của tất cả 409 cổ phiếu trên sàn HoSE.
 
Nếu nâng lô lên 1.000 cổ phiếu thì với 23 triệu đồng, nhà đầu tư chỉ có thể lựa chọn cơ hội trong số 56% doanh nghiệp niêm yết HoSE. “Có nghĩa với mức tiền này nhà đầu tư không thể tiếp cận được 34% số doanh nghiệp còn lại, tương đương 139 mã chứng khoán”, ông Nam nói bởi để sở hữu cổ phiếu có thị giá cao nhất (khoảng 230.000 đồng/cổ phiếu), nhà đầu tư cần tới số tiền là 230.000.000 đồng cho lô 1.000 cổ phiếu.
 
Trong khi nhà đầu tư nhỏ chiếm số lượng không nhỏ trong tổng số tài khoản trên thị trường. Và hiện mỗi tháng có thêm khoảng 80.000 tài khoản mở mới mà có thể chủ yếu là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường và thường có số vốn nhỏ. Việc tăng số lượng tài khoản giao dịch hiện cũng phù hợp với mục tiêu đạt 5% dân số có tài khoản đầu tư chứng khoán vào 2025.
 
Thêm nữa, vốn hóa trung bình của nhóm cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng cũng đang chiếm tới 67% tổng số lượng mã trên sàn.
 
Do đó, ông Nam cho rằng việc xử lý tình trạng nghẽn hệ thống như thế nào để thị trường thông suốt, không xảy ra tình trạng “phân biệt giàu nghèo”, hy sinh quyền lợi nhà đầu tư nhỏ như một số ví von là điều cần cân nhắc kỹ.
 

Phát hành mới sẽ là chủ đề nóng

 
Trang Đầu tư chứng khoán cho rằng: Khi dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, thanh khoản tăng đột biến khiến nhiều công ty chứng khoán bị động trong việc đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, các công ty đang có áp lực phải tăng vốn.
 
Dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) luôn là động lực quan trọng của thị trường. Khi thị trường tăng, nhu cầu sử dụng margin nhiều hơn và tổng dư nợ ký quỹ sẽ nở ra tương ứng. Điều này là phổ biến ở tất cả các thị trường.
 
 
Tăng lô giao dịch chứng khoán: Giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch? - ảnh 2
 Trong tháng 2/2021, nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vượt đỉnh hoặc vượt ngưỡng kháng cự quan trọng
 
Trong tháng 2/2021, nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vượt đỉnh hoặc vượt ngưỡng kháng cự quan trọng. Đương nhiên, một diễn biến không có gì bất ngờ là lượng dư nợ margin cũng đạt mức kỷ lục. Ở Mỹ, theo số liệu ngày 19/2, tổng dư nợ cho vay ký quỹ lần đầu tiên chạm ngưỡng 800 tỷ USD.
 
Tại Việt Nam, chính sách liên quan đến margin có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán.
 
Động thái siết margin như Thông tư 36/2014/TT-BTC năm 2014, hay dư địa cho vay margin cạn kiệt đối với các cổ phiếu trụ khi chỉ số tạo đỉnh năm 2018 góp phần dẫn đến việc thị trường sụt giảm sau đó.
 
Hiện tại, khi chỉ số VN-Index tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm, tổng dư nợ margin của thị trường đạt kỷ lục mới. Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2020 của các công ty chứng khoán, dư nợ margin toàn thị trường đạt trên 70.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III/2020.
 
Tuy nhiên, nếu so sánh với mức độ gia tăng của thanh khoản, mức độ gia tăng margin chưa tương xứng.
 
Theo tính toán, thanh khoản khớp lệnh trung bình trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong quý IV/2020 đạt khoảng 11.200 tỷ đồng/phiên. Theo đó, tỷ số tổng lượng dư nợ ký quỹ/thanh khoản trung bình hằng ngày chỉ là 6,3 lần, đây là một trong những mức thấp nhất kể từ năm 2015 và thấp hơn cả khi VN-Index tạo đỉnh trong quý I/2018.
 
Từ đầu năm 2021 đến nay, thanh khoản khớp lệnh trung bình tăng lên 14.400 tỷ đồng/phiên, dư nợ margin/thanh khoản trung bình ước tính chưa đến 5 lần. Tỷ số này cho thấy, margin chưa đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, đặc biệt khi thanh khoản thời điểm hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào nhà đầu tư cá nhân.
 
Năng lực hạ tầng thị trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường là một trong những nguyên nhân chính gây ra đợt giảm mạnh của chỉ số VN-Index trong tháng 1/2021. Ngoài việc hệ thống của HOSE trong tình trạng quá tải thì năng lực đáp ứng nhu cầu cho vay ký quỹ cũng là một yếu tố đáng chú ý. Một số công ty chứng khoán đi đến điểm tới hạn về tổng lượng cho vay ký quỹ và không thể cho khách hàng vay thêm. Rõ ràng, đó là những yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư cá nhân không đáng phải nhận.
 
Cụ thể, với tổng dư nợ hơn 70.000 tỷ đồng, hệ số tổng dư nợ/vốn chủ sở hữu của toàn bộ các công ty chứng khoán đạt mức cao nhất trong lịch sử, dù khối công ty này đã thực hiện tăng vốn trong thời gian trước đó. Theo số liệu báo cáo quý IV/2020, tỷ lệ này đạt 93,25%, vượt qua cả mức đỉnh quý I/2018. Không ít công ty gần chạm ngưỡng cho phép theo quy định là được cho vay tối đa 200% vốn chủ sở hữu.
 
Cũng vẫn theo trang Đầu tư chứng khoán, thị trường chứng khoán luôn tồn tại những bất ngờ mà bất kỳ ai cũng khó lường trước được. Các công ty chứng khoán như vậy. Chắc ít người ngờ được rằng, thời điểm hiện tại, thanh khoản thị trường lại tăng nhanh đến vậy.
 
Nếu không có sự quá tải của hệ thống, thanh khoản thị trường được nhìn nhận sẽ tăng mạnh hơn và khi đó các công ty chứng khoán bị động hơn. Công ty chứng khoán không thể vui khi không phục vụ được nhu cầu khách hàng, nhưng sự thiếu chuẩn bị của nhiều công ty gây ra sự “khó chịu” cho khách hàng.
 
Ngoài hoạt động cho vay kỹ quỹ, sắp tới, dự kiến có nhiều hoạt động mà công ty chứng khoán cần thêm vốn.
 
Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 15/2/2021 đã mở đường cho giao dịch trong ngày (T+0) và bán khống, từ đó phát sinh nhu cầu vốn để đảm bảo thanh toán cho các nghiệp vụ này. Công ty chứng khoán còn cần vốn cho nghiệp vụ tạo lập thị trường, tự doanh, các sản phẩm mới…
 
Theo lý thuyết trật tự phân hạng (Pecking order theory), doanh nghiệp thường ưu tiên các nguồn tài trợ bên ngoài so với việc phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện nay, không có nhiều lựa chọn cho một số công ty chứng khoán, tăng vốn nhiều khả năng sẽ là chủ đề nóng trong mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới.
 
Minh Hoa