Tăng thu ngân sách từ thuế VAT có nên chỉ bằng tăng thuế?
Kết quả nghiên cứu được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động tham vấn và vận động chính sách về giảm thiểu gánh nặng thuế đối với nền kinh tế.
Tỉ trọng cao, hành thu hiệu quả nhưng lại tiếp tục tăng
Theo Nghiên cứu, thuế là nguồn thu NSNN lớn nhất, chiếm tới 4/5 tổng thu ngân sách. Tỉ lệ động viên từ thuế của Việt Nam cao nhất trong khu vực, cho thấy gánh nặng thuế tương đối lớn của người dân.
Xét trong tương quan với các loại thuế, thuế VAT là nguồn thu thuế lớn nhất cho NSNN, chiếm khoảng 1/4 tổng thu ngân sách.
Nếu như năm 2006, thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm trên 42% tổng số thu thuế, đến năm 2016, con số này chỉ còn 23%. Ngược lại, năm 2006, tỉ trọng của VAT trong tổng số thu thuế là 23%, đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,5 lần và ở mức 33%.
Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam có tỉ trọng trong tổng số thu thuế khá kiêm tốn, khoảng 6%. Trong khi, mức trung bình của các nước ASEAN là 11%, con số của các nước thu nhập thấp là 19% và các nước thu nhập cao là 28%.
Với các loại thuế gián thu khác (VAT, thuế xuất, nhập khẩu), tỉ trọng của tổng số thu các loại thuế này trên tổng số thu thuế ở Việt Nam năm 2016 là 22%.
Các loại thuế tài sản của Việt Nam cũng đang có tỉ trọng rất khiêm tốn (gần 3% năm 2016).
Cùng với việc trở thành nguồn thu thuế lớn nhất cho NSNN, tỉ lệ động viên ngân sách từ thuế VAT của Việt Nam thuộc top cao của thế giới.
Xét trong các tương quan trên, Nghiên cứu nhấn mạnh một vấn đề rất đáng suy nghĩ: Việc tăng thêm NSNN từ VAT tại Việt Nam hầu như chỉ bằng con đường tăng thuế suất.
Điều này sẽ đồng thời tạo nên hai hiệu ứng: Tăng nguồn thu cho Chính phủ nhưng lại gây thiệt hại cho nền kinh tế; gây ra sự méo mó về giá cả, vì thuế làm tăng giá mà người tiêu dùng phải trả, trong khi giảm giá mà nhà sản xuất nhận được, từ đó gây ra sự mất mát đối với tổng mức thoả dụng của toàn xã hội.
2 kịch bản điều chỉnh thuế VAT đều tăng lượng người nghèo
Dựa vào Dự thảo của Bộ Tài chính về sửa đổi Luật thuế VAT đang được đưa ra thảo luận, với đề xuất tăng thuế lên mức 6% và 12%, Nghiên cứu đã dự báo về 2 kịch bản (hay phương án) điều chỉnh thuế VAT.
Phương án 1 là tăng thuế VAT lên 1,2 lần, tức là các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% và 10% sẽ chịu thuế 6% và 12%. Phương án này có tác động mạnh hơn lên hộ gia đình (làm chi tiêu bình quân của hộ giảm đi 0,89%, trong khi, phương án 2 thì làm chi tiêu hộ giảm đi 0,32%).
Phương án 2 áp dụng mức thuế suất chung 10% cho các mặt hàng, theo đó các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%. Phương án này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các nhóm nghèo vì điều chỉnh tăng VAT ở các mặt hàng lương thực và thực phẩm thiết yếu.
Nhìn chung, tăng thuế VAT theo phương án 2 có tác động nhỏ hơn phương án 1. Tuy nhiên, số lượng người nghèo tăng lên theo hai phương án không quá chênh lệch - tương ứng vào khoảng 240.000 và 202.000 người. Đây chính là lý do Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, nếu không sẽ đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.
Nghiên cứu khuyến nghị, trong dài hạn, việc nâng cao hiệu quả chi ngân sách mới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng.