Quốc hội thống nhất sẽ điều chỉnh Luật Thuế giá trị gia tăng vào năm sau
Sáng 18/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đó, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...
Đối với Luật Thuế Giá trị gia tăng , Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến dự án luật này tại Kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2024).
Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) được thông qua ngày 3/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XII, có hiệu lực thi hành từ năm 2009 và đã được sửa đổi, sung một số điều năm 2003 và năm 2005. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng thời gian tới, chính sách thuế VAT đã phát sinh một số hạn chế nhất định.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ xem xét, thông qua với 5 nhóm chính sách. Trong đó có hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng; quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, việc sửa đổi luật này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh các đối tượng từ không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế 5% hoặc 10%; rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế để bảo đảm bao quát đối tượng chịu thuế.
Ông Tùng cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát luật hóa các quy định dưới luật liên quan đến giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng với hoạt động chuyển nhượng bất động sản để bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Chính phủ làm rõ hơn lý do bổ sung quy định thuế suất đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác; cơ sở thực tiễn, tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; xem xét lại việc bổ sung quy định trong trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót thì thực hiện kê khai, khấu trừ bổ sung theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Góp ý trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vường Đình Huệ đánh giá trình các dự án Luật phải tính toán tổng thể pháp luật về thuế, "không phải chỉ có riêng thuế VAT " để đảm bảo tính đồng bộ, nhất là với Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua về thuế tối thiểu toàn cầu.
Về Luật Thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về mặt hàng chịu thuế VAT đối với nông sản. Đây là nội dung phức tạp, từng phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn VAT đối với mặt hàng như cà phê, tôm, cá.
Mặt khác, quy định về thuế VAT nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa. "Hoàn thuế VAT cũng là vấn đề cần được quan tâm, thuế VAT là nội dung phức tạp vô cùng, cần nhìn thẳng vào các vấn đề để rà soát", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.