Tăng trưởng kinh tế quý II/2025 của Việt Nam cao nhất gần 20 năm

Trang Mai 18:08 | 03/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, tăng trưởng kinh tế quý II/2025 đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước … tốt hơn qua từng tháng, từng quý.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6. (Nguồn: VGP)

Theo Báo Chính phủ, chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết cuối tháng 5, tăng trưởng GDP Quý II/2025 được dự báo ước đạt 7,67% so với cùng kỳ, 6 tháng đạt 7,31%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản 06 tháng tăng 3,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 7,83%. Tuy nhiên, ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2 - 0,3% so với dự báo.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,65% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt hai con số kể từ năm 2011. Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 9% so với cùng kỳ, 06 tháng tăng 9,3%; khách du lịch quốc tế 06 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%; tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009), vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 06 tháng đạt 152,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127,2 nghìn doanh nghiệp).

Đặc biệt, tính riêng tháng 6, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 24,4 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay, với tổng số vốn đăng ký gần 177 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 60,5% và 21,2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 14,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 91,05%; hộ kinh doanh thanh lập mới đạt trên 124,3 nghìn hộ, tăng 118,4%...

Tính chung 6 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03% so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Nguồn: VGP)

Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức 

Tuy vậy, Bộ trưởng lưu ý, thời gian tới dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như: Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức; kinh tế vĩ mô còn chịu nhiều sức ép, nhất là trong điều hành tỷ giá, lãi suất; Hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; ...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cần tập trung làm ngay trong tháng 7 và Quý III.

Cụ thể, khẩn trương trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Theo dõi sát hoạt động của chính quyền 2 cấp, việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thông suốt các công việc theo thẩm quyền 2 cấp.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước. Không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan; phấn đấu thu NSNN năm 2025 tăng 15% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 16% GDP;

Phấn đấu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên các tháng cuối năm để đầu tư xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chi cấp bách...

Các bộ, cơ quan và địa phương theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu thuộc phạm vi quản lý, kịp thời có giải pháp quản lý, kiểm soát giá cả phù hợp, bảo đảm ổn định thị trường, không để đầu cơ, làm giá…

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, các động lực truyền thống phải có biện pháp để tăng tốc hơn, các động lực mới chưa được phát huy hết.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá bối cảnh, tình hình, nhất là những điểm mới, điểm khác; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình sắp tới;

Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và thời gian còn lại của năm 2025 để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp ổn định bộ máy chính quyền các cấp; đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.