Tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp duy trì ‘dòng chảy’ hoạt động sản xuất
Nhiều chính sách giúp doanh nghiệp "vượt bão"
Trước làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 4, Chính phủ và các bộ ngành đã đưa ra nhiều quyết sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội…
Việc ra đời và triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện sự quan tâm và quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách trong thực tế đến nay những mục tiêu đề ra là chưa hiệu quả như mong muốn.
“Điểm nghẽn ở đây chính là khâu thiết kế thực hiện chính sách còn nhiều vấn đề vướng mắc; cách thức tổ chức, triển khai chính sách còn cồng kềnh chưa phù hợp thực tiễn, từng doanh nghiệp, người lao động cần hỗ trợ. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo… tạo thành nút thắt cản trở cơ hội thụ hưởng trong bối cảnh cần tiếp sức nhanh của doanh nghiệp, người dân”, ông Tô Hoài Nam chỉ rõ.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai rất chậm, hiệu quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Trong đó, có nguyên nhân như quá cầu toàn, "sợ" trách nhiệm của cán bộ thực hiện. Đơn cử, đến hết năm 2020, hỗ trợ an sinh xã hội mới giải ngân được hơn 12.800 tỷ đồng, tức khoảng 20,6% tổng giá trị, cho gần 13 triệu người. Đến đầu năm 2021, các bộ, ngành về cơ bản chỉ đề xuất tiếp tục kéo dài thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ... đã có.
Cần gói hỗ trợ đủ mạnh, đúng thời điểm
Theo TS. Võ Trí Thành, hiện nền kinh tế vẫn rất cần một gói hỗ trợ đủ mạnh. Yêu cầu ở đây không chỉ là giúp người lao động, doanh nghiệp vượt khó, phục hồi, mà còn tạo tiền đề có tính nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, sáng tạo.
“Gói hỗ trợ lần hai đã được đề xuất. Bối cảnh hiện nay cũng đặt thêm những điểm đáng lưu ý đối với các giải pháp hỗ trợ. Trước hết là các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp gây ra. Thứ hai là gói hỗ trợ vừa có diện đủ rộng, vừa có điểm nhấn về lĩnh vực, ngành nghề. Thứ ba là hỗ trợ phải thúc đẩy cải cách, sáng tạo thích ứng với xu thế phát triển mới”, TS. Võ Trí Thành lưu ý.
Ngoài những chính sách hỗ trợ, ông Tô Hoài Nam cho rằng, cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hướng tới mục tiêu giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch để họ tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp trong giai đoạn khó khăn.
“Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, khi hoạt động giao thương truyền thống bị gián đoạn, theo tôi cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ, giảm bớt các thủ tục hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Như, các thủ tục hải quan, thuế phải đơn giản hóa hơn, hậu kiểm nhiều hơn để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi để cho doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu đầu vào để tiếp tục duy trì dòng chảy của hoạt động sản xuất”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.
Trong khó khăn chính sách ra đời nhưng việc triển khai phải đúng thời điểm, đúng giai đoạn doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, tiếp sức nhất chứ không chỉ nằm trên giấy. Theo đó, cần phải có sự tính toán, nhanh nhạy để mỗi chính sách ra đời đều mang lại hiệu quả và có ý nghĩa. Đồng thời, phải đa dạng đầu mối trung gian hỗ trợ để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách nhanh và đạt hiệu quả cao.
Mai Phương