Tập đoàn của Warren Buffett sở hữu nhiều tín phiếu kho bạc Mỹ hơn cả Fed
Berkshire Hathaway bây giờ sở hữu nhiều tín phiếu kho bạc Mỹ hơn cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sau khi Warren Buffett nâng lượng tiền mặt của tập đoàn lên mức kỷ lục.
Cuối quý II, Berkshire nắm giữ 234,6 tỷ USD tín phiếu kho bạc dưới dạng các khoản đầu tư ngắn hạn. Đồng thời, tập đoàn còn sở hữu hơn 42 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền.
Trong khi đó, Fed sở hữu 195,3 tỷ USD tín phiếu kho bạc tại ngày 31/7. Ngân hàng trung ương Mỹ nắm giữ tổng cộng 4.400 tỷ USD chứng khoán kho bạc bao gồm tín phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán ngừa lạm phát.
Fed mua lượng lớn nợ của chính phủ Mỹ trong đại dịch và luôn là một trong những tổ chức nắm giữ chứng khoán kho bạc lớn nhất nhằm phục vụ cho mục đích duy trì thanh khoản trên thị trường.
Warren Buffett, 93 tuổi, lại một lần nữa thực hiện động thái bất ngờ và chuẩn xác khi bán lượng lớn cổ phiếu Apple trong quý II, trước khi chứng khoán toàn cầu bị bán tháo mạnh.
Berkshire đã bán ròng cổ phiếu trong 7 quý liên tiếp. Nhưng trong quý vừa qua, tập đoàn của Buffett thậm chí còn đẩy nhanh tốc độ và buông bỏ hơn 75 tỷ USD cổ phiếu, tờ CNBC cho hay.
Nhiều người hâm mộ của Buffett coi việc ông quyết định bán bớt những cổ phiếu lớn nhất trong danh mục là tín hiệu cảnh báo rằng “nhà hiền triết xứ Omaha” có nhận định bi quan về nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong những giai đoạn khủng hoảng trước đây, Buffett từng lưu ý rằng ông sẽ mua tín phiếu kho bạc trực tiếp tại các phiên đấu giá.
Chính phủ Mỹ bán các loại tín phiếu kho bạc có kỳ hạn từ 4 đến 52 tuần. Sự gia tăng rõ rệt của lợi suất tín phiếu trong hai năm qua giúp các khoản đầu tư ngắn hạn của Warren Buffett tạo ra lợi nhuận đáng kể.
200 tỷ USD tiền mặt đầu tư vào tín phiếu kho bạc với lợi suất khoảng 5% sẽ tạo ra khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, tương đương 2,5 tỷ USD mỗi quý.
Sau khi đại dịch COVID-19 khiến thị trường hoảng hốt, Fed đã mua khoảng 5.000 tỷ USD chứng khoán kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng kể từ tháng 6/2022, Fed đã dần giảm bớt lượng tài sản mà họ nắm giữ theo chương trình thắt chặt định lượng.
Hai mục tiêu chính của Fed là thúc đẩy toàn dụng việc làm và ổn định giá cả thông qua việc thiết lập chính sách tiền tệ một cách độc lập. Để đáp ứng những mục tiêu này, Fed mua và bán chứng khoán kho bạc do công chúng nắm giữ để kiểm soát cung tiền và lãi suất.