Tập đoàn Sao Mai (ASM): Biên lãi co hẹp, lãi ròng xuống mức thấp nhất trong 4 năm

Lạc Lạc 15:18 | 07/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã: ASM) mới công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu có phần khởi sắc, tuy nhiên hàng loạt chi phí tăng cao đã kéo lợi nhuận giảm mạnh.

Là doanh nghiệp có hoạt động đa ngành từ kinh doanh bất động sản, xây dựng, kiến trúc, dịch vụ du lịch cho đến nuôi trồng & chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến thức ăn thủy sản, điện mặt trời, xuất khẩu lao động...; trong quý IV/2022, ASM thu về 3.184 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lãi gộp giảm nhẹ 2% (còn 333 tỷ đồng), biên lãi gộp thu hẹp từ 12,5% trong quý IV/2022 xuống 10,5% trong kỳ này. 

Trừ các khoản chi phí, ASM chỉ lãi sau thuế gần 66 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi thấp nhất của Công ty kể từ quý IV/2018.

 

Luỹ kế cả năm 2022, ASM ghi nhận 13.750 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với năm trước. Kinh doanh thức ăn cá, cá xuất khẩu và thương mại là 3 nguồn doanh thu chính của doanh nghiệp khi mang về doanh thu lần lượt 5.522 tỷ, 3.697 tỷ và 3.370 tỷ. Ngoài ra, ASM cũng thu về hơn 1.000 tỷ từ kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ và doanh thu điện năng lượng mặt trời. 

Đáng chú ý, các chi phí trong kỳ đều tăng đáng kể, làm biên lãi gộp và biên lãi ròng co hẹp. Chi phí lãi vay cả năm đạt 470 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021; riêng lãi vay quý IV tăng 69%. Chi phí bán hàng tăng 57% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 29%.  

Cả năm, doanh nghiệp lãi ròng 963 tỷ đồng, tăng 37%. Dù tăng trưởng mạnh trong năm nhưng công ty mới thực hiện được 94% chỉ tiêu doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận năm (so với mục tiêu doanh thu thuần 14.700 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.630 tỷ đồng đặt ra trước đó).  

 

Kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng của ASM cũng tương tự nhiều doanh nghiệp ngành thuỷ sản khác trong quý IV năm qua. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tuy năm 2022 xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục với 11 tỷ USD nhưng phần lớn thành tựu là nhờ thành công của 3 quý đầu năm, liên tục tăng trưởng dương ở mức cao từ 34 - 46% so với cùng kỳ năm trước. Từ quý IV/2022, xu hướng xuất khẩu đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chủ yếu, bao gồm Mỹ và châu Âu.

Thực tế, hàng tồn kho của ASM tính đến 31/12/2022 đã tăng lên gần 3.190 tỷ đồng, tức tăng 12%, chiếm 1/3 là thành phẩm tồn đọng. 

Về tình hình tài chính, tổng tài sản ASM tại thời điểm 31/12/2022 gần 19.111 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 817 tỷ đồng, tăng 39%; bao gồm tiền gửi không kỳ hạn 459 tỷ và có kỳ hạn 348 tỷ. Trong năm 2022, tiền cho vay và gửi ngân hàng mang về cho doanh nghiệp hơn 129 tỷ đồng tiền lãi.

Đáng chú ý, tài sản dài hạn khác tăng 44%, lên hơn 1.137 tỷ đồng, đến từ lợi thế thương mại gấp 2,5 lần đầu năm với hơn 475 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua công ty con. Ngược lại, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 39%, còn hơn 981 tỷ đồng.

Về phía nghĩa vụ nợ, báo cáo chỉ ra tổng vay và nợ thuê tài chính đến hết năm 2022 tăng 24% so với đầu năm lên 9.816 tỷ đồng, chiếm 51,4% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 43,5% tổng nguồn vốn). 

Tính tới cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu ASM hơn 7.840 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 1.042 tỷ đồng, giảm 49%.

Theo báo cáo mới công bố của VASEP, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Ước tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó, cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%, riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.

Chuyên gia VASEP cho rằng bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU…