Tập đoàn Thái Lan SCG `thâu tóm` CTCP Bao bì Biên Hòa khiến dàn lãnh đạo Việt đồng loạt mất ghế

14:33 | 14/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn hàng đầu của Thái - SCG vừa công bố kế hoạch mua lại CTCP Bao bì Biên Hòa - Sovi nhằm đón đầu một xu hướng kinh doanh mới vào thị trường bao bì đang phát triển như vũ bão tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, TCG Solutions Pte.Ltd thuộc Tập đoàn SCG của tỷ phú Thái Lan Trakulhoon vừa thông báo đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu SVI của CTCP Bao bì Biên Hòa - Sovi (tương đương 94,11% cổ phần biểu quyết đang lưu hành).

Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam từ 16-31/12. Theo đó, giống như tại Sabeco, các lãnh đạo người Việt lần lượt ra đi.
 
Tập đoàn Thái Lan SCG `thâu tóm` CTCP Bao bì Biên Hòa khiến dàn lãnh đạo Việt đồng loạt mất ghế - ảnh 1
Tập đoàn SCG của tỷ phú Thái Lan Trakulhoon

Hiện Bao bì Biên Hòa không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mở trần lên tới 100%.

Giá trị của thương vụ chưa được công bố nhưng tính theo mức giá khoảng 77.000 đồng/cp trên thị trường chứng khoán thì tổng số tiền cho giao dịch là trên 920 tỷ đồng. Người Thái có thể phải bỏ ra nhiều hơn thế cho một thương vụ mua đứt mang tính chiến lược, tấn công vào thị trường bao bì đang phát triển như vũ bão tại Việt Nam.

Thông báo mua bán chỉ là thủ tục. Trước đó, tại đại hội cổ đông bất thường ngày 9/12, chủ mới đã thay thế cả dàn lãnh đạo tại SVI. Hội đồng quản trị cùng ban giám đốc cũ và ban kiểm soát cũ đã đồng loạt từ nhiệm.

Thay thế là nhóm người mới của ông chủ người Thái. Trong đó, ông Ekarach Sinnarong là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật nhiệm kỳ 2020-2023. Ông Suchai Korprasertsri là Chủ tịch SVI, đồng thời cũng là Giám đốc của TCG Solutions và Giám đốc điều hành của Thai Conteiners Group Co.,Ltd.

Trên thực tế, Tập đoàn Thái SCG đánh tiếng thâu tóm Bao bì Biên Hòa từ đầu năm nay và nhóm quỹ SSI và Bảo Việt đã đồng loạt bán ra hơn 30% cổ phần.
 
Tập đoàn Thái Lan SCG `thâu tóm` CTCP Bao bì Biên Hòa khiến dàn lãnh đạo Việt đồng loạt mất ghế - ảnh 2
Hiện CTCP Bao bì Biên Hòa không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mở trần lên tới 100%

Trước đó vào tháng 4/2020, hãng tin Nikkei (Nhật) dẫn các nguồn tin cho biết Tập đoàn SCG (Thái) đang có kế hoạch mua lại Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa một công ty Việt Nam nhằm nắm bắt xu hướng mua trực tuyến tăng nhanh tại thị trường Việt Nam vì lo ngại ra những nơi tập trung đông người.

Trong các quốc gia đang hiện diện bên ngoài Thái Lan, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường quan trọng nhất với SCG.

Doanh thu quý III của SCG tại các nước trong khu vực ASEAN trừ Thái Lan đạt 804 triệu USD (16.628 tỷ đồng). Trong đó, riêng doanh thu tại Việt Nam đạt 286 triệu USD (6.639 tỷ đồng), chiếm 40%.

Tại Việt Nam, SCG không xa lạ khi thường xuyên thực hiện các thương vụ M&A với các công ty lớn của Việt Nam như mua lại Công ty Gạch Prime Group, Công ty Bao bì Tín Thành,...

SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu, và bao bì.
 
Tập đoàn Thái Lan SCG `thâu tóm` CTCP Bao bì Biên Hòa khiến dàn lãnh đạo Việt đồng loạt mất ghế - ảnh 3
Tỷ phú Thái Lan Trakulhoon 
 
Tại Việt Nam, SCG đã có hàng chục vụ M&A trong gần 30 năm qua với các thương vụ đình đám như mua cổ phần hoặc thâu tóm tại: công ty gạch Prime Group, Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh hay Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (5 tỷ USD)... SCG có doanh tại thị trường Việt Nam đạt lên tới gần 1,3 tỷ USD.

Đây đều là các doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng tại Việt Nam. Prime là một thương hiệu gạch nổi tiếng, trong khi Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp sản xuất nhựa đầu ngành.

Mảng bao bì đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi xu hướng thương mại điện tử ngày càng tăng cũng như chiến dịch giảm thiểu đồ nhựa đang thúc đẩy nhu cầu trong ngành giấy bao bì lên mức cao.

Đại dịch khiến nhu cầu mua sắm online tăng cao. Làn sóng dịch vụ đi chợ hộ, giao đồ ăn, siêu thị trực tuyến,... phát triển bùng nổ và trở thành một trào lưu mới tại Việt Nam, mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics và phụ trợ như bao bì.

SCG có chiến lược đầu tư vào các doanh nghiệp Việt bài bản và lâu dài. Tập đoàn này nắm giữ nhiều doanh nghiệp quan trọng và chấp nhận mua cổ phiếu giá cao, chấp nhận có thể thua lỗ thời gian đầu.
 
SCG được Nhà vua Rama VI sáng lập năm 1913, Tập đoàn SCG có nhiệm vụ ban đầu nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Lan. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, SCG trở thành một trong những tập đoàn lớn trong khối ASEAN. Trong năm 2011, SGC được xếp hạng là công ty lớn thứ 2 tại Thái Lan và thứ 620 trên toàn thế giới bởi Forbes.
 
Hải Yến