Techcombank cấp khoản tín dụng 1.500 tỷ đồng cho One Mount Distribution

Thùy Dương 16:44 | 29/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - HOSE: TCB) vừa có Nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng hạn mức 1.500 tỷ đồng cho CTCP One Mount Distribution. Đây là khoản tín dụng có thời hạn 12 tháng nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng.

Khoản tín dụng có tài sản đảm bảo là cổ phần OMD thuộc sở hữu của One Mount Group. Lãi suất và phí theo quy định của Techcombank.

CTCP One Mount Distribution mà một thành viên của  One Mount Group. Chủ tịch HĐQT One Mount Group Hồ Anh Ngọc (sinh năm 1982) cũng chính là em trai của ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, TCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 7.565 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 6.715 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,2% và 20,7% so với cùng kỳ (svck) năm 2021.

Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 23.470 tỷ đồng, tăng 20,6%, lợi nhuận trước thuế 20.821 tỷ đồng, gấp 1,2 lần svck. Như vậy hết 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu 77% lợi nhuận trước thuế kế hoạch.

 

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDIRECT nhận định đến hết quý III/2022, chất lượng tài sản của TCB vẫn rất tốt.

Cụ thể, tính đến hết quý III/2022, nợ xấu của TCB tăng 16% so với đầu năm lên 2.665 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cao hơn 47% so với cuối năm 2021 do Thông tư 14 hết hiệu lực (từ 30/6/2022). Tỷ lệ nợ xấu là 0,65% (so với 0,66% vào cuối năm 2021). LLR (tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay) duy trì ở mức 165% (so với 163% vào cuối năm 2021). 

 

Về cơ cấu tài sản sinh lời của TCB, VNDIRECT chỉ ra rằng tài sản sinh lời của TCB tăng 12,7% so với đầu năm tính đến cuối quý III/2022, trong đó TPDN giảm 30,7% so với đầu năm, chiếm khoảng 10% cơ cấu tín dụng so với mức 15,3% cuối năm 2021. Cho vay khách hàng của TCB ghi nhận tăng 18,2% so với đầu năm, chiếm 69% cơ cấu tín dụng so với mức 66% năm 2021. TCB vẫn đang là bên vay ròng trên thị trường liên ngân hàng.

Về cơ cấu cho vay, đến hết quý III/2022, tăng trưởng cho vay của ngân hàng đạt 18,2% so với đầu năm, thúc đẩy bởi cho vay bán lẻ, tăng 37% so với đầu năm; trong khi cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn lần lượt chỉ tăng 10,9% và giảm 3,4% so với đầu năm.

Cho vay mua nhà là động lực tăng trưởng chính của mảng cho vay bán lẻ. Mảng này đã tăng 39,4% so với đầu năm, chiếm 82% trong cơ cấu cho vay bán lẻ (từ mức 78% vào cuối năm 2021). Mặt khác, cho vay từ thẻ tín dụng cũng ghi nhận kết quả tốt với mức tăng trưởng 51,6% so với đầu năm, chiếm khoảng 8% trong cơ cấu cho vay bán lẻ.

Về cơ cấu huy động, tiền gửi và tỷ lệ CASA; tính đến hết quý III/2022, tăng trưởng tiền gửi đạt 1,3% so với đầu năm (so với mức tăng 17,4% của tổng huy động; tiền gửi khách hàng chiếm 59% tổng huy động). Tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn/cho vay dài hạn xuống 27% (so với mức tối đa của ngành là 34%) từ mức 32-33% trong các quý trước.

CASA giảm còn 46,5% do khách hàng rút tiền nhàn rỗi để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của họ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạn chế. Do các doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn về thanh khoản, các chuyên gia cho rằng dòng tiền này sẽ không sớm quay trở lại.

 

Đánh giá chung về triển vọng ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm, Chứng khoán VNDIRECT cho biết toàn ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài và cả trong nước. Việc FED tăng lãi suất mạnh đã khiến chỉ số DXY (USD Index: thước đo giá trị đồng USD) leo lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, tạo ra áp lực giảm giá đối với hầu hết các đồng tiền trên thế giới trong vài tháng gần đây và VND không phải là ngoại lệ.

Cùng với việc bán USD để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới biên độ giao dịch VND (từ 3% lên 5%) và tăng lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp, thêm 100 điểm cơ bản trong vòng 1 tháng.

Việc tăng mạnh lãi suất điều hành đã tác động trực tiếp đến lãi suất huy động của tất cả các kỳ hạn và các ngân hàng đều đã phải tăng lãi suất huy động với tốc độ tương tự như vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy lãi suất cho vay khó có thể theo kịp với chi phí huy động vốn tăng cao do NHNN đã và đang yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc tăng lãi suất mạnh mẽ nói trên sẽ tác động tiêu cực đến NIM (Net Interest Margin: chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) của các ngân hàng với chi phí vốn cao hơn.

VNDIRECT cho rằng mọi thứ sẽ trở nên “nhẹ nhàng” hơn chỉ khi áp lực từ đồng USD giảm bớt. Tuy nhiên dự kiến căng thẳng liên quan đến việc Fed tăng lãi suất có thể còn kéo dài đến ít nhất là hết nửa đầu năm 2023.

Nhìn xa hơn, trong bối cảnh lãi suất duy trì mặt bằng cao, VNDIRECT cho rằng rủi ro “đứt gãy thanh khoản” giữa các doanh nghiệp Việt Nam là một vấn đề rất đáng lưu ý, đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này có thể ảnh hưởng lên chất lượng tài sản của các ngân hàng, đặc biệt từ năm 2023 trở đi.

"Tóm lại, do chính sách tiền tệ bị thắt chặt và những bất ổn vĩ mô, ngành ngân hàng trong năm 2023-2024 sẽ gặp nhiều trở ngại hơn liên quan đến tăng trưởng tín dụng chậm lại, áp lực hy sinh lợi nhuận (NIM thu hẹp) và đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản", báo cáo của VNDIRECT nêu rõ.