TGĐ Mekong Capital - Chris Freund: 'Sự đổi mới chính là DNA'

Hoàng Dung 08:57 | 23/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 1994, Chris Freund, 22 tuổi đến Việt Nam bằng tất cả tình yêu và sự cảm mến về những điều mới mẻ ở đất nước hình chữ S. 6 năm sau, chàng trai ấy một lần nữa trở lại Việt Nam và thành lập Mekong Capital, một công ty chuyên về tư vấn, quản lý quỹ với mục tiêu tập trung đầu tư vào công ty tư nhân. Với Chris Freund, ở bất cứ giai đoạn, thời điểm nào, sự đổi mới chính là DNA của công ty, là chìa khoá giúp công ty vượt qua mọi khó khăn và thử thách.

 

Năm 1994, Chris Freund, 22 tuổi đến Việt Nam bằng tất cả tình yêu và sự cảm mến về những điều mới mẻ ở đất nước hình chữ S. 6 năm sau, chàng trai ấy một lần nữa trở lại Việt Nam và thành lập Mekong Capital, một công ty chuyên về tư vấn, quản lý quỹ với mục tiêu tập trung đầu tư vào công ty tư nhân. Với Chris Freund, ở bất cứ giai đoạn, thời điểm nào, sự đổi mới chính là DNA của công ty, là chìa khoá giúp công ty vượt qua mọi khó khăn và thử thách.

 

Năm 1994, ông đến Việt Nam và nhìn thấy những cơ hội, tiềm năng từ thị trường Việt Nam. Vậy sau gần 30 sinh sống, làm việc, đầu tư vào các công ty tại dải đất hình chữ S, cảm nhận của ông là gì?

 

Nửa đời người, tôi đã sống ở Việt Nam, ăn cơm, uống nước và hít thở không khí ở Việt Nam nên tôi coi mình là người Việt Nam hơn là người Mỹ. 

Tôi thích con người Việt Nam và các công ty ở Việt Nam vì mọi người sống rất tích cực, thân thiện, cởi mở và có ước mơ xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, chất lượng về mối quan hệ giữa con người với con người ở Việt Nam theo tôi là tốt hơn nhiều nơi trên thế giới.

Thời điểm ông thành lập Mekong Capital chỉ có 1 - 2 quỹ ngoại rót vốn vào Việt Nam nhưng hiện nay, con số này đã tăng lên gấp nhiều lần. Việc nhiều quỹ xuất hiện sẽ làm cho thị trường sôi động, còn miếng bánh thị phần sẽ bị chia nhỏ và trở nên cạnh tranh hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

Điều này là đúng. Khi nhiều quỹ ra đời thì sự cạnh tranh sẽ gia tăng và doanh nghiệp có thêm nhiều sự lựa chọn. Giống việc tìm bạn đời, ai cũng muốn tìm cho mình một người phù hợp. Nhất là khi bạn có nhiều chọn lựa, tiêu chí bạn đề ra cũng cao và khắt khe hơn. 

Nhìn sang kinh doanh, mọi thứ cũng tương tự. Đa phần, các công ty sẽ chọn quỹ có tiềm lực tài chính mạnh, có danh tiếng làm đối tác để song hành.

 

Với Mekong Capital, chúng tôi không cảm thấy có một đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào về cách tiếp cận. Trên thực tế, chúng tôi không cạnh tranh với các quỹ khác về mặt chi một khoản lớn để đầu tư. 

Trong lĩnh vực đầu tư tư nhân, quan hệ đối tác của chúng tôi với mỗi công ty đều bắt đầu từ tầm nhìn chung của chúng tôi về tương lai của công ty đó. 

Chúng tôi giúp các công ty nhìn ra bối cảnh mới, từ đó có những hành động mang lại kết quả đột phá từ việc chọn nhân sự, tạo ra tầm nhìn, xây dựng giá trị cốt lõi, văn hoá công ty hay chuyển đổi số.

Ông có thể lấy một ví dụ cho điều vừa kể trên?

Rõ nhất chính là F88, một chuỗi cho vay có tài sản bảo đảm được thành lập từ năm 2013. 3 năm sau (năm 2016), quỹ Mekong Enterprise Fund III của Mekong Capital chính thức đầu tư vào F88 để cùng công ty thay đổi định kiến về ngành cầm đồ ở Việt Nam.  

Trong ba năm tiếp theo, công ty bắt tay vào việc xây dựng đội ngũ, công nghệ, tối ưu hóa vận hành và quản lý rủi ro. Họ không còn là công ty khởi nghiệp của một nhóm sáng lập. 

Thay vào đó, F88 muốn trở thành chuỗi cho vay cầm cố bằng tài sản bảo đảm lớn tại Việt Nam, vận hành 300 phòng giao dịch trên toàn quốc vào cuối năm 2021. 

Thời điểm đó, Mekong Capital có tổ chức một chuyến đi đến Thái Lan cho đội ngũ sáng lập công ty đến thăm SAWAD và MTLS, những công ty cho vay cầm cố hàng đầu của Thái Lan. 

Tại một thị trường nhỏ hơn Việt Nam, chỉ sau 10 năm phát triển, mỗi công ty này đã có mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng trên toàn quốc và được định giá hơn 2 tỷ USD. 

Nhìn thấy những đặc điểm giống nhau của thị trường, sản phẩm, cũng như thành công mà các công ty này đã đạt được, mặc dù vẫn còn nghi ngờ về khả năng phối hợp quản lý của mình, nhưng họ đã phần nào được truyền cảm hứng để khám phá tiềm năng lãnh đạo của bản thân thay vì thuê nhân tài CEO bên ngoài.

Vì vậy, đến năm 2020, họ đã hoàn thành xong mục tiêu 300 phòng giao dịch và về đích sớm hơn 1 năm so với dự kiến.

 

2020 - 2022 là giai đoạn khó khăn với nhiều doanh nghiệp khi môi trường kinh doanh biến đổi đột ngột dưới tác động của dịch bệnh và thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu, ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam nói chung và các công ty tư nhân nói riêng trong thời gian qua?

Quan điểm từ trước đến nay của tôi là mình sẽ tìm kiếm và nhìn thấy được điều mình muốn tin. 

Chẳng hạn, với tình hình kinh tế như hiện nay, có người luôn nhìn thấy cơ hội để phát triển thông qua các tín hiệu và dữ liệu từ thị trường như chỉ số GDP năm nay tăng, dự báo năm sau vẫn tăng. 

Bên cạnh đó, có những người sẽ nhìn vào rủi ro như lạm phát tăng cao, Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tiếp tục tăng lãi suất khiến thị trường xuất hiện nhiều rủi ro chẳng hạn. 

Đấy chính là góc nhìn và quan điểm của mỗi người, mỗi công ty khi tiếp cận vấn đề. Còn với tôi, nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm cơ hội đột phá từ những sự cố, vấn đề diễn ra hàng ngày. 

Từ đó, chúng tôi mới có thể cùng các công ty tạo ra các góc nhìn mới, hành động mới, quy trình chuẩn chỉnh hơn, làm ra những sản phẩm tốt hơn, hoàn thiện hơn để đáp ứng nhu cầu xã hội thay vì chỉ đi theo những lối mòn và dùng cách cũ.

 

Ông có thể chia sẻ cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài khi đề cập đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam? Liệu Việt Nam có còn sức hút?

Là một nhà đầu tư dài hạn tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng thị trường vốn Việt Nam ngày càng hấp dẫn. 

Việt Nam có một lộ trình tăng trưởng dài được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi về kinh tế vĩ mô mạnh mẽ, nhân khẩu học hấp dẫn, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. 

Khi đô thị hóa nhiều hơn, người tiêu dùng trung lưu tìm kiếm hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn, các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, giáo dục và bán lẻ tiêu dùng.

 

Nhìn vào hành trình của Mekong Capital là nhìn thấy hành trình của sự đổi mới để thích ứng với điều kiện mới, đổi mới để làm mới chính mình. Tuy nhiên, chặng đường ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thậm chí là mắc sai lầm. Vậy động lực nào để Mekong Capital vượt qua tất cả?

Tại Mekong Capital, sự đổi mới chính là DNA của chúng tôi. Sứ mệnh của chúng tôi là đổi mới ngành đầu tư tư nhân. Văn hóa của chúng tôi trao quyền cho nhân viên của chúng tôi tham gia một game (cuộc chơi) lớn, khám phá những cách tư duy và giao tiếp mới, tìm ra bối cảnh mới và cách nhìn mới để tạo ra thành tích đột phá.

Chúng tôi không đánh giá nhân viên giỏi hay tệ mỗi khi gặp sự cố. Chúng tôi khuyến khích đội ngũ của mình tìm kiếm và giải quyết các thách thức theo cách mà họ có thể tạo ra các cơ hội mới. Vì khi nghĩ khác, làm khác, họ sẽ tạo ra những đột phá mới. Và dịch Covid-19 cũng vậy, Mekong Capital chỉ coi đó là một sự cố mà chúng ta cần vượt qua.

Vậy trong lịch sử đầu tư của công ty, tỷ lệ thành công hay không thành công nhiều hơn?

Trong lịch sử của chúng tôi, chúng tôi đã thất bại nhiều hơn thành công nhưng theo thời gian, tỷ lệ thành công của chúng tôi ngày càng cao hơn. 

Có thể, mọi người hay nhắc về Mekong Capital với kỳ tích đầu tư vào Thế giới Di động với đạt tỷ suất lợi nhuận 57 lần và tỷ suất hoàn vốn nội bộ là 61,1% (tính theo USD cho cả hai chỉ số) rồi trở thành một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân ở châu Á. 

Thực tế là, tầm nhìn của chúng tôi bây giờ là mọi công ty mà chúng tôi đầu tư vào sẽ đạt được tầm nhìn của họ và chúng tôi có các cách chi tiết để đo lường hiệu suất của mình trên hành trình hoàn thành mục tiêu đó.

Trong cuốn sách “Chuyện lẩu cua” ông chấp bút, ông từng ví Mekong Capital năm 2021 là “nồi lẩu”, còn giờ thì sao?

Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng có những tình huống như “nồi lẩu”. Vì để đạt được tầm nhìn, chúng tôi liên tục chuyển hoá bản thân. Ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, công ty lại có những món lẩu khác nhau, nhất là khi chúng tôi nhìn ra những vấn đề mới. Và đó là lúc cần sự lãnh đạo để đội ngũ hướng tới một tầm nhìn chung, cùng vượt qua thử thách.

Nồi lẩu ở đây có thể được hiểu là sự tập hợp của những tính cách, lối sống, góc nhìn, trải nghiệm mà mỗi người mang tới tập thể. Điều quan trọng nhất là dẫn dắt họ cùng hướng đến một mục tiêu chung, trong trường hợp của chúng tôi, đó là tầm nhìn của Mekong Capital.

 

Nhìn chung, một doanh nghiệp muốn vững mạnh thì phải có sự đồng lòng. Để làm được điều đó, theo ông, điều gì là quan trọng nhất? 

Theo tôi, đó là sự giao tiếp giữa mọi người để đồng thuận về một tầm nhìn chung và cùng giải quyết triệt để vướng mắc. Vì vậy, chìa khóa khiến mọi người đồng lòng với nhau là khi chúng ta cùng nhìn về tương lai để tiến lên và phát triển, chứ không phải mãi hoài niệm và mắc kẹt trong quá khứ.