Tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu hơn 28 tỉ USD, tăng 55% so cùng kỳ
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1-2021 đạt 55 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 28,55 tỉ USD - kim ngạch xuất khẩu trong một tháng cao nhất từ trước đến nay,
Hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, đặc biệt là hàng công nghiệp như điện thoại di động đạt 6,1 tỉ USD (tăng 126% so với cùng kỳ), máy vi tính và linh kiện điện tử đạt 3,9 tỉ USD (tăng 46%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,34 tỉ USD (tăng 59%)...
Hàng nông, thủy sản được mùa
Trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ yếu do các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đem lại, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có nhiều điểm sáng dù khó tránh khỏi những ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho biết trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua, đơn vị đã xuất khẩu hơn 200 tấn thủy sản cá tra đi châu Âu, Thái Lan, châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông...
"Dù dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhưng chúng tôi vẫn xuất hàng đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên khách hàng vẫn còn lo lắng do dịch bệnh nên chưa nhập khẩu nhiều hàng hóa như các năm trước" - ông Nghiệp nói.
Theo ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, tình hình xuất khẩu tôm của đơn vị trong những ngày đầu năm 2021 khả quan. Dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng khả năng xuất khẩu tôm của các công ty ở ĐBSCL trong quý 1 vẫn tăng trưởng khá.
"Thị trường Mỹ, châu Âu tiếp tục sáng sủa, sản phẩm tôm giá trị vẫn có sức hút trong hệ thống siêu thị của những thị trường này", ông Lực cho hay.
Trong khi đó, theo ông Võ Công Thức - giám đốc xí nghiệp lương thực của Tập đoàn Lộc Trời, xuất khẩu gạo trong tháng 2 sẽ nhiều hơn tháng 1 do các hợp đồng đến hạn phải giao và đúng vào dịp thu hoạch lúa đông xuân. "Giá lúa đang cao, người bán sẽ lợi nhưng người mua sẽ gặp rủi ro. Do đó khách hàng nước ngoài cũng thận trọng, không ký hợp đồng mới", ông Thức nói.
Báo cáo của Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết trong tháng 1-2021, hầu hết các mặt hàng chủ lực của địa phương này như gạo, thủy sản, rau quả, may mặc... đều có kim ngạch xuất khẩu ổn định và tăng so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng gạo được dự báo vẫn là điểm sáng xuất khẩu trong năm nay.
Tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho rằng việc đạt được kết quả xuất khẩu khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 là bởi VN đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các đối tác, DN tận dụng tốt các FTA đã đưa vào thực thi.
Chẳng hạn trong năm 2020, số lượng bộ C/O ưu đãi được cấp tăng 9% so với năm 2019 cho thấy DN và hàng hóa xuất khẩu từ VN đang dần nâng cao tỉ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA.
Cũng theo ông Hải, trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu hàng hóa của VN sang một số thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu vẫn có tăng trưởng dương do các DN đã tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thay thế.
Thực tế cho thấy đến năm 2020, VN có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 24 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD vào năm 2016, chưa kể trong đó có đến 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỉ USD và 8 thị trường trên 5 tỉ USD.
Dù thừa nhận xuất khẩu trong năm 2021 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro do dịch Covid-19 nhưng ông Hải cho rằng vẫn có triển vọng tích cực nhờ các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường.
Hơn nữa, sau thời gian bị trì hoãn bởi dịch bệnh, năm 2021 dự báo sẽ chứng kiến sự dịch chuyển luồng đầu tư của các DN FDI từ các nước trong khu vực sang VN, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA.
Số lượng DN FDI tăng sẽ tạo ra tăng trưởng cao về xuất khẩu do xuất khẩu của khối FDI luôn chiếm tỉ trọng cao (trên 80%) trong tổng kim ngạch nhiều năm qua.
"Dịch bệnh COVID-19 được nhận định là trong "nguy" có "cơ". Các DN có cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao khả năng ứng phó trước các biến động của thương mại thế giới, phù hợp với độ mở lớn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Khi năng lực của cộng đồng DN được nâng cao, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực hơn, bền vững hơn" - ông Hải nhận định.
Giá lúa tăng cao
Ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 350.000ha lúa đông xuân. Những ngày còn lại trong tháng 2-2021, ĐBSCL dự kiến sẽ thu hoạch thêm 550.000ha, tháng 3 thêm 750.000ha và tháng 4 là 150.000ha... nên sẽ không có sự khan hiếm về lúa gạo những tháng đầu năm 2021.
Trong khi đó, giá lúa thời gian qua đứng ở mức khá cao. Chẳng hạn nhóm lúa dành cho chế biến như IR50404 có giá bán 6.500 - 6.800 đồng/kg, nhóm lúa chất lượng cao 6.800 - 7.300 đồng/kg, nhóm lúa đặc sản (như giống ST) từ 7.500 đồng/kg trở lên.
"Những ngày gần đây giá lúa có giảm xuống 500 - 1.000 đồng/kg nhưng theo dự báo, giá gạo xuất khẩu năm nay bình quân đạt khoảng 515 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với trước đây. Do đó giá lúa sản xuất khả năng sẽ không giảm", ông Tùng nói.
Theo Tuổi trẻ