Thanh Hóa: 3 nhà thầu "so găng" ở gói thầu làm đường ven biển trị giá 3400 tỉ đồng.

07:19 | 05/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) có tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án hơn 3.372 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước hơn 2.358 tỷ đồng.

 

Tập đoàn Vinaconex

"So găng" giữa "ông lớn trung ương" và "đại gia địa phương"

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT).

Theo đó, có ba nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm: Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C) và liên danh CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) có tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án hơn 3.372 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước hơn 2.358 tỷ đồng.

Thời gian xây dựng công trình dự kiến từ năm 2021 đến năm 2024. Thời gian khai thác kinh doanh dự kiến từ năm 2024 đến năm 2046.

Trước đó, tháng 5/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 649 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển nói trên theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới hai đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,5 km, bao gồm 3 đoạn. Đoạn tuyến 1 (Hoằng Hóa - Sầm Sơn) dài 12,3 km có điểm đầu tại vị trí giao với đường tỉnh 510 thuộc địa phận xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa; điểm cuối nối vào tuyến đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (thuộc địa phận phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn).

Dự án tuyến đường ven biển (minh họa)

Đoạn tuyến 2 (Quảng Xương - Tĩnh Gia) dài 17,2 km, có điểm đầu nối tiếp vào điểm cuối của dự án đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn thuộc địa phận xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương; điểm cuối nối tiếp vào dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia.

Từng có thời gian bắt tay ở nhiều dự án

Về ba nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) là một doanh nghiệp quen mặt trên thị trường bất động sản. Tính đến cuối tháng 6/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 7.335 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 30.126 tỷ đồng. Theo BCTC hợp nhất bán niên sau soát xét, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty đều ghi nhận lần lượt 2.341 tỷ đồng và 249 tỷ đồng.

Vinaconex đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang…

Doanh nghiệp này cũng thi công nhiều gói thầu như gói thầu Mở rộng Sân bay Đà Nẵng; gói thầu thi công xây dựng Cầu dẫn và Đường dẫn phía Long Biên thuộc dự án Đầu tư Xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2; gói thầu XL04 Vĩnh Hảo – Phan Thiết; gói thầu 14-XL Đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45; gói thầu số 3-XL Phan Thiết - Dầu Giây; gói thầu XL-08 - Dự án Đường nối TP Hạ Long - Cầu Bạch Đằng...

Còn Trungnam E&C được thành lập vào tháng 5/2008, có địa chỉ tại Lâm Đồng. Doanh nghiệp này là thành viên thuộc Trungnam Group - nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 10/2017, Trungnam E&C có vốn điều lệ hơn 301 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Nguyễn Tâm Thịnh (70,33%), Trungnam Group (28,96%), Nguyễn Phan Sophia và Trần Thị Thu Ngân mỗi người 0,34%. Doanh nghiệp này cũng có kinh nghiệm triển khai nhiều gói thầu như công trình Thủy điện Đồng Nai 2; các gói thầu tại Khu Công Nghệ Cao Đà Nẵng; gói thầu xây lắp công trình Cầu vượt nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế; các gói thầu thi công Trụ T29, T30, T30 dầm chính dây văng công trình cầu Bạch Đằng (Hải Phòng); gói thầu thi công cầu Vũ Yên (Hải Phòng)…

Về liên danh còn lại, CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung được sở hữu và chi phối bởi gia đình ông Mai Xuân Thực. Tại thời điểm tháng 1/2016, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.089 tỷ đồng. Trong đó, ông Thực góp 47,66%, bà Lê Thanh Hoa góp 44,56%. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Mai Xuân Thông (con trai ông Thực). Vị trí này hiện do ông Lê Thanh Hải đảm nhiệm.

Tập đoàn Miền Trung

Tập đoàn Xây dựng Miền Trung được biết đến là doanh nghiệp lớn tại Thanh Hóa. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp này hoặc độc lập, hoặc liên danh với đối tác đã trúng thầu và được lựa chọn làm chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn, nhỏ tại địa phương này.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia đầu tư nhiều dự án giao thông như: Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT (hơn 4.100 tỷ đồng); đường trong Khu công nghiệp số 3 KKT Nghi Sơn; đường Vành đai phía Tây TP Thanh Hóa; gói thầu xây lắp 09 thi công nền, mặt dự án nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, đường tránh qua thị trấn Cẩm Thủy…

CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi được thành lập vào tháng 7/2004, được biết đến là là nhà thầu xây lắp lớn có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình. Tại thời điểm tháng 1/2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.989 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Quang Tiến.

Cường Thịnh Thi cũng từng liên danh với một số doanh nghiệp khác thực hiện các dự án giao thông như: Dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP Lào Cai và Sapa; dự án đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn; gói thầu Xây lắp hoàn thiện đoạn từ Km4+787,24 đến Km9+726,86 thuộc Dự án Đường 991B từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Đáng chú ý, các nhà đầu tư này từng "bắt tay" với nhau tại một số gói thầu và dự án bất động sản.

Đơn cử, hồi tháng 6 vừa qua, Bộ GTVT đã công bố đơn vị trúng gói thầu XL03 tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43km) là liên danh Xây dựng Miền Trung và Vinaconex. Giá trị gói thầu là 1.144 tỷ đồng. Liên danh Xây dựng Miền Trung - Trung Nam E&C - CTCP Xây dựng Phát triển Hòa Bình cũng là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã hơn 4.193 tỷ đồng tại Thanh Hóa. Hay Cường Thịnh Thi và Xây dựng Miền Trung là nhà đầu tư thực hiện dự án Đầu tư khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng tại Thanh Hóa. . Dự án có quy mô khoảng 121 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.255 tỷ đồng. Có thể nói, Miền Trung và Cường Thịnh Thi là “đôi bạn cùng tiến” đã song hành cùng nhau trong rất nhiều gói thầu không chỉ ở Thanh Hóa mà trải dài khắp trong Nam ngoài Bắc. Trong khi đó Cường Thịnh Thi và Trung Nam cũng từng sát cánh bên nhau trong dự án Cầu Bạch Đằng trên đất Quảng Ninh.

Theo quan điểm của người viết, xét về năng lực thi công, kĩ thuật hay tài chính, kinh nghiệm, Vinaconex đủ sức “xanh chín” đến cùng với Trung Nam E&C, Miền Trung, Cường Thịnh Thi. Tuy nhiên, với nhiều năm theo dõi sát sao các gói thầu lớn nhỏ tại Thanh Hóa, nhiều người cho rằng khả năng thắng thầu của Vinaconex trong gói thầu này không cao. Trong khi đó, rất có thể, Trung Nam E&C chỉ là quân bài chiến thuật trong gói thầu này. Và bằng một cách nào đó, khả năng Liên danh Miền Trung – Cường Thịnh Thi sẽ được xướng tên là người thắng thầu trong dự án 3400 tỉ này.