Bài 1: Vinaconex và những gói thầu lớn tại “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam

10:23 | 18/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi Bộ GTVT hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế thay bằng đấu thầu trong nước, nhiều chuyên gia tự tin cho rằng doanh nghiệp Việt đủ khả năng thực hiện “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam.

Lời tòa soạn:

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong những năm qua, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng ctrong khu vực và thế giới. Để đạt được điều đó có sự góp phần rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nang đang đứng ở đâu trong bản đồ các doanh nghiệp lớn trên thế giới; doanh nghiệp Việt có đủ tầm thực hiện những dự án lớn hay không? Đó vẫn là những câu hỏi gây tranh cãi.

Hãy cùng Tạp chí Doanh nhân Việt Nam điểm lại những "đại dự án" mà các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện được trong những năm qua.

 

 

Doanh nghiệp Việt có đủ “tầm” làm siêu dự án?

Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là “siêu dự án” trọng điểm, trục xương sống của hệ thống giao thông quốc gia. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tạo nên cú hích và tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương

Theo Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, 9/12 dự án thành phần dài 552 km sẽ được đầu tư trước. 3 dự án còn lại sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư trước rồi chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030...

Bài 1: Vinaconex và những gói thầu lớn tại “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam - ảnh 1

Cao tốc Bắc - Nam là "đại dự án", công trình trọng điểm quốc gia. 

Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021, Chính phủ trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra dự án trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối năm 2021.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, 9/12 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Tổng chiều dài 552 km, gồm các đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng, Hà Tĩnh dài 90 km, đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang 353 km và Cần Thơ - Cà Mau 109 km.

Khi Bộ GTVT đưa ra quyết định hủy việc sơ tuyển nhà thầu quốc tế cho 8 đoạn của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và thay bằng tổ chức đấu thầu trong nước đã có rất nhiều ý kiến về việc doanh nghiệp nào sẽ đủ sức thực hiện siêu dự án này.

Khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đặt niềm tin vào các doanh nghiệp nội. Ông ho rằng một số các nhà thầu tại Việt Nam đủ sức làm tốt dự án cao tốc trọng điểm này.

“Tôi cho rằng việc điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế sang hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước là một lựa chọn đúng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có đủ năng lực để làm những dự án giao thông quy mô lớn với chất lượng tốt”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định trên VTC News.

Vị chuyên gia này cho rằng, không làm thì không có kinh nghiệm. Giờ cứ đòi hỏi doanh nghiệp phải có kinh nghiệm làm cao tốc mới được làm thì ở Việt Nam chẳng có doanh nghiệp nào lọt được vào đó cả.

Ông chủ” của những dự án trọng điểm quốc gia

Cuối năm 2020, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trúng liên tiếp 3 gói thầu lớn nhất tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam gồm đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng giá trị các gói thầu Vinaconex đang triển khai lên tới 8.000 tỷ đồng, vượt trội hoàn toàn các nhà thầu khác đang thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Cụ thể, tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vinaconex là doanh nghiệp đứng đầu liên danh: Vinaconex - Trung Chính thi công gói thầu 03-XL (Km 47+672 - Km 83+000) trị giá 2.299 tỷ đồng, lớn nhất trong 4 gói thầu xây lắp của dự án. Gói thầu này đã được liên danh nhà thầu tổ chức triển khai thi công từ 30/9/2020.

Bài 1: Vinaconex và những gói thầu lớn tại “đại dự án” cao tốc Bắc – Nam - ảnh 2

Vinaconex trúng 3 gói thầu lớn của cao tốc Bắc - Nam. 

Cách tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây không xa, Vinaconex cũng đang tổ chức thi công gói thầu XL-04: Thi công xây dựng đoạn Km 185+400 - Km 235+000, nút giao Ma Lâm, nút giao Phan Thiết thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Gói thầu này được triển khai thi công từ đầu tháng 11/2020, đây cũng là gói thầu lớn nhất của dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với giá trị lên tới 3.200 tỷ đồng.

Gần nhất, đầu tháng 1/2021, Vinaconex cùng một doanh nghiệp khác là Trung Nam E&C đã tổ chức khởi công gói thầu XL-14 thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45. Đây là gói thầu có chiều dài và giá trị lớn nhất (gần 2.500 tỷ đồng) trong 5 gói thầu xây lắp của dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.

Nhiều chuyên gia ngành giao thông đánh giá, việc Vinaconex trúng thầu để đảm nhiệm thi công các gói thầu lớn nhất tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đến thời điểm này là điều không bất ngờ với những người làm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông. Bởi, trước khi trúng thầu thi công các dự án này, Vinaconex là một trong những tên tuổi lớn nhất từng đảm nhiệm vai trò nhà thầu, tổng thầu, nhà đầu tư tại hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng, nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân…

Vinaconex thành lập từ năm 1988 với tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài với nhiệm vụ quản lý hơn 13 nghìn lao động làm việc ở Liên Xô (trước đây), các nước XHCN Ðông Âu khác và I-rắc. Tháng 11/1995, Bộ Xây dựng quyết định thành lập Tổng công ty Vinaconex  với việc điều chuyển các Công ty xây dựng số 5, số 9, Liên hiệp tấm lớn số 1, số 2 về làm đơn vị thành viên. Các đơn vị này cũng đang nằm trong tình trạng khó khăn chung của ngành là thiếu việc làm sau khi các dự án trọng điểm kết thúc, do đó, việc tiếp nhận các công ty trực thuộc bộ về làm thành viên không chỉ là cơ hội phát triển, mà cũng là thách thức lớn với Vinaconex vì cùng một lúc phải giải bài toán thiếu công ăn, việc làm, thiếu vốn kinh doanh, trang thiết bị lạc hậu.

Sau 2 thập kỷ, Vinaconex trở thành một trong những"ông lớn" trong xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Hiện tại ông Đào Ngọc Thanh đang đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Văn Chương