Thanh Hóa, xưa rồi câu ca “ăn rau má, phá đường tàu”
Kí ức một thời “ăn rau má, phá đường tàu”
Không biết bắt đầu từ đâu, bài vè “Khu 4 đẩy ra, khu ba đẩy vào” được người dân truyền miệng phổ biến trong cộng đồng. Có lẽ, không người dân Thanh Hóa nào không thuộc nằm lòng bài vè này:
Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào
Bỏ chạy sang Lào, Lào không thèm nhận
Bực mình tức giận, lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng, là huyện Nông Cống
Quốc ca chính thống, "dô tá dô tà"
Nông nghiệp nước nhà, toàn cây rau má
Biển khơi lắm cá, mười mẻ một cân
Vang tiếng xa gần, nem chua toàn lá
Còn công nghiệp hoá, là phá đường tàu
Đục ống dẫn dầu, cắt dây điện thoại
Thiên nhiên ưu đãi: lũ lụt triền miên
Có nhiều nhất miền là đất pha cát
Rừng xanh bát ngát là rặng phi lao
Gió mát rì rào là gió Lào nóng hổi
Công trình nổi trội, vượt cả núi non
Có cái cầu con, gọi là cầu Bố
Mấy cây lố nhố, thì gọi Rừng Thông
Núi to bỏ ông - Gọi là núi Chẹt
Núi bằng cái mẹt - Gọi là núi Voi
Ai đến mà coi - Quốc gia Thanh Hoá
Công nghiệp bứt phá - Là phá đường tầu
Mục tiêu hàng hàng đầu: Luồng, lang, lạc, lúa
Làm ăn khấm khá trong bốn chữ L.
Phía sau câu ca mang tính tự trào đó là nụ cười ra nước mắt. Trong tâm trí mọi người, Thanh Hóa là một vùng quê nghèo khó, cục bộ, thiên nhiên khắc nghiệt. Nói tóm lại, cả nền kinh tế được tổng hợp: Nông nghiệp là cây rau má, công nghiệp là phá đường tàu, cây trồng là 4 chữ L: luồng, lang, lạc, lúa.
Mà Thanh Hóa nghèo thật. Câu chuyện tỉnh Thanh mới đây thôi còn là gánh nặng của ngân sách Quốc gia. Thu ngân sách trên địa bàn cả tỉnh chỉ đảm bảo vài chục phần trăm số chi thường xuyên. Còn phần đa phải nhờ trung ương bao cấp. Trên mảnh đất “khu 4 đẩy ra, khu 3 đẩy vào” chỉ có vài ba nhà máy lạc hậu. Đó là xi măng Bỉm sơn, mía đường Lam Sơn và thuốc lá Bông Sen. Tất cả, chỉ có thế. Tỉ lệ hộ nghèo thuộc nhóm cao nhất cả nước, tốc độ phát triển chậm chạp, nổi tiếng cục bộ, bè phái với nhiều khác biệt mang tính tiêu cực không giống ai. Đến nỗi, mỗi khi có một sự kiện khác người nào đó xảy ra, người ta lại buột miệng: “chuyện chỉ có ở quốc gia riêng”. Nhiều người còn nói vui: “ước mơ lớn của người Thanh Hóa, lá rau má to bằng lá sen”.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của một thời đã qua. Thanh Hóa nay khác rồi. Một khát vọng thịnh vượng đang cuồn cuộn chảy trong mạch máu của mỗi người dân nơi đây.
Kì tích trong xây dựng nông thôn mới
Là tỉnh có địa bàn rộng, đông dân cư, đặc thù vùng miền khác nhau, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo các cấp đã triển khai các giải pháp khá linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh việc xây dựng NTM cấp xã như toàn quốc đang thực hiện, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng mô hình NTM cấp thôn, bản tại nhiều địa phương với phương châm “có nhiều thôn, bản NTM sẽ có xã NTM”.
Trong khi các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa hoàn thiện, chưa kịp thời; thì Thanh Hóa đã căn cứ điều kiện cụ thể, với cách tiếp cận tự tin, sáng tạo, thành lập bộ máy tổ chức chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở; ban hành hướng dẫn lập “Quy hoạch xã NTM 3 trong 1”, Quy định “Lấy phiếu đánh giá về sự hài lòng của người dân”, “Quy định trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí NTM”.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn thực hiện hoạt động cử cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp xuống địa bàn để thực hiện “3 cùng” với người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Nhằm khuyến khích và động viên kịp thời các thôn, bản khu vực miền núi xây dựng NTM. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM; khen thưởng hàng năm và khen thưởng giai đoạn cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào “Chung sức xây dựng NTM”.
Đặc biệt, Thanh Hóa chủ trương xây dựng NTM gắn chặt với phát triển nông nghiệp. Sở Nông nghiệp & phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, đã phân công cho các đơn vị ngành nông nghiệp trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, đỡ đầu các thôn, bản xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật.
Với quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; xây dựng NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”; Thanh Hóa xác định xây dựng NTM phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Về lĩnh vực xã hội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao kỹ năng tay nghề và giải quyết việc làm theo cả 2 hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp đột phá, căn cơ để chuyển đáng kể lực lượng lao động nông nghiệp dư thừa sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, chất lượng đạt chuẩn các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được nâng lên rõ rệt. Trên thực tế, tình làng, nghĩa xóm, phát huy quy chế dân chủ, giữ gìn vệ sinh môi trường, tình hình an ninh nông thôn đã có thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực.
Đặc biệt, thành tựu lớn nhất là được lòng dân, điều kiện, chất lượng cuộc sống và tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân được nâng lên rõ rệt; sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở - từ trách nhiệm, năng lực quản lý đến sự sâu sát, gần gũi với dân hơn.
Nhiều người xa quê lâu nay mới có dịp về quê hẳn sẽ ngạc nhiên với điều kiện sống của những vùng quê xứ Thanh Hôm nay. Làng nào, thôn nào cũng có nhà văn hóa, có sân chơi thể thao, có nhiều nhà mới to đẹp, khang trang. Nhiều hộ gia đình đã sắm được ô tô, vật dụng đắt tiền. Các con đường liên thôn, liên xã to rộng, sạch đẹp. Hai bên đường, hoa cỏ được trồng ngay ngắn bốn mùa khoe sắc. Chất lượng cuộc sống không thua kém các đô thị. Nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày đã không còn nữa. Kí ức nghèo nàn lạc hậu đã lùi xa, không khí vui tươi, phấn khởi là gam màu chủ đạo. Nhiều người phải thốt lên: Cuộc sống ở quê bây giờ còn đầy đủ hơn ở thành phố.
Miền đất hứa với các nhà đầu tư
Trong những năm gần đây, Thanh Hóa có những bước đi đầy ấn tượng với sự xuất hiện của nhiều chủ đầu tư lớn như FLC, Vin group, Sun group, Eurowindow, Nguyễn Hoàng group, Sao Mai group, Flamingo group, BRG group, TNR holding…
Sau dự thành công của dự án FLC Sầm Sơn golf & beach resort, Tập đoàn FLC đã và đang triển khai đầu tư 11 dự án trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, hạ tầng khu công nghiệp và khai thác khoáng sản… trên khắp địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tiêu biểu như các dự án: dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương Sầm Sơn; dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long; một số dự án khai thác khoáng sản và kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện: Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung; dự án 10.000 tỉ đồng làm dịch vụ hàng không tại Thọ Xuân.
Song hành cùng với FLC, tiếp nối thành công của 2 dự án Vincom plaza, Vinpearl hotel và Vinhomes Star City Thanh Hóa quy mô 200 ha, tập đoàn Vingroup triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng cạnh suối cá Cẩm Lương, quy mô vào khoảng 17,8ha. Đặc biệt, Vingroup cũng đang lập quy hoạch 1 dự án khác ở khu vực Hồ Thành, thành phố Thanh Hóa. Khi đó Thanh Hóa sẽ là địa bàn trọng điểm đầu tư của Vingroup tại khu vực miền Bắc.
Cũng chịu lực hút của miền đất hứa, mới đây, tập đoàng Sun group cũng chính thức công bố quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp, quảng trường biển tại Sầm Sơn. Dự án với quy mô hơn 1.260 ha là một trong những bước đi chiến lược của Sun group tại Thanh Hóa. Ngoài ra, Sun group cũng đang xúc tiến đầu tư vào 2 dự án lớn ở Thanh Hóa là KĐT Đông Nam – TP Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 5 sao, quảng trường biển tại Quảng Vinh – TP Sầm Sơn với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 25.500 tỉ đồng. Ngoài ra Sun group cũng đang nghiên cứu đầu tư quy mô trên 10.000 tỉ vào Khu du lịch rừng quốc gia Bến En.
Được biết, Sao Mai Group cũng đặt dự án Resort Sao Mai thứ 5 tại Thanh Hóa, tập đoàn này cũng đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào miền đất hứa như các “ông trùm lớn” Vingroup và Sungroup. Cuối tháng 3-2019, Sao Mai group đã ký kết hợp đồng với UBND huyện Triệu Sơn về dự án đầu tư KĐT Minh Sơn - thị trấn Triệu Sơn, có diện tích 45 ha với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 500 tỉ đồng. Chỉ 3 tháng sau, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản cho phép Tập đoàn Sao Mai lập hồ sơ xin thuê đất đợt 1 dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa (tên gọi tắt Khu du lịch sinh thái Vua Lê) được xây dựng trên diện tích khoảng 100 ha, có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Giai đoạn 1, Sao Mai sẽ quy hoạch 63 ha để xây dựng các phân khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ, trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn (5 sao, 280 phòng), nhà hàng nổi, khu làng Việt, khu biệt thự bốn mùa, khu villa, khu tắm khoáng, khu bungalow trên hồ, sân golf và công viên cây xanh… Khu đảo Ngọc – vui chơi giải trí là khu vực biệt lập với các khu chức năng khác. Ở đây sẽ hình thành theo tính chất trải nghiệm thiên nhiên với các chủ đề khác nhau, khu thương mại, mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí (nhạc nước, night club), khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Cũng xuất hiện tại Xứ Thanh Eurowindow Holding – một trong những nhà đầu tư lớn đang thi công xây dựng khu đô thị mới Eurowindow Park City ngay trung tâm thành phố với quy mô khoảng gần 7 ha. Các biệt thự ở đây được bán với giá ban đầu trên 30 triệu đồng/m2 giờ đây đã tăng giá gấp đôi. Mới đây nhất, Thanh Hóa đã “bật đèn xanh” cho Eurowindow Holding thực hiện một dự án khu đô thị 175 ha, giá trị đầu tư 13.000 tỉ đồng tại Hoằng Quang và Hoằng Long phía bắc TP Thanh Hóa.
Đặc biệt, sắp tới Thanh Hóa sẽ chào đón “Thành phố Giáo dục Quốc Tế Thanh Hóa IEC-TH” do Công ty CP đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Tập đoàn Nguyễn Hoàng) triển khai xây dựng tại địa bàn hai xã Quảng Phú & Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) trên diện tích sử dụng gần 85 ha, tổng vốn đầu tư 2500 tỉ đồng, đáp ứng được nhu cầu giáo dục đào tạo cho hơn 18.000 học sinh, sinh viên.
Gần đây 2 tên tuổi lừng lẫy Flamingo và BRG group cũng đang xúc tiến thủ tục đầu tư để xây dựng những đại dự án bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, sân golf với quy mô hàng ngàn ha tại Hoằng Hóa và Quảng Xương. Không đứng ngoài cuộc, TNR Holding cũng ngắm nghía nhiều dự án bất động sản du lịch, công nghiệp, sân golf, đô thị tại khu vực huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn.
Có thể thấy, với những tiềm năng du lịch vượt trội, vị trí địa lý thuận lợi và tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội ngày càng ổn định, Thanh Hóa đã và đang chiếm ưu thế thu hút các nhà đầu tư lớn về bất động sản. Nơi đây hứa hẹn là một vùng chiến trường đầy tiềm năng của các “ông trùm” lớn như FLC, Vingroup, Sungroup, T&T, BRG… và nhiều đại gia bất động sản khác.
Người Thanh Hóa, sống đẹp và nghĩa tình
Chỉ vài ba năm trước, nhắc tới Thanh Hóa là nhắc tới một vùng đất mà cá tính của người dân mang nhiều tính cục bộ, địa phương, khó hòa nhập. Chẳng thế mà có nhiều doanh nghiệp, công ty, khu công nghiệp còn công khai không tuyển công nhân Thanh Hóa. Thậm chí, còn có nhiều diễn đàn trên mạng lập ra để nói xấu, kì thị người Thanh Hóa. Bi hài hơn, có cả hội thảo, hội nghị khoa học được tở chức để chỉ ra những tính xấu của người Thanh Hóa. Nhân chuyện này, tôi nhớ có một lần đọc được ý kiến của một ông giáo sư người Thanh Hóa trả lời trên báo chí, đại ý là: Năm anh Thanh Hóa đi với nhau, bình thường thì vui vẻ không sao, nhưng hễ có một anh tỏ ra nổi trội, tài giỏi hơn là chắc chắn bốn anh kia sẽ quây vào dìm xuống. Đó là một nét tính cách cực xấu nhưng đặc trưng của người xứ Thanh.
Tuy nhiên, theo thời gian, sự kì thị với người dân Thanh Hóa đã không còn nữa. Nổi bật trong thời đại hiện nay đó là hình ảnh người dân Thanh Hóa giàu khát vọng, sống đẹp và nghĩa tình.
Cách đây vài năm, câu chuyện cụ Đỗ Thị Mơ đạp xe lên xã xin thoát nghèo trở thành hiện tượng trên truyền thông. Tấm gương của cụ đã làm lay động hàng nghìn trái tim. Hay như câu chuyện đôi bạn Minh-Hiếu mười năm cõng nhau đến trường trở thành tấm gương sống đẹp có sức lan tỏa đặc biệt.
Trong những ngày đại dịch hoành hành ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, người Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu chi viện cho miền nam ruột thịt. Khắp mọi vùng quê, phong trào quyên góp ủng hộ miền nam đã lan tỏa sôi nổi đến từng nhà, từng người. Hàng nghìn tấn hàng mang theo tình cảm của người dân Thanh Hóa đã được gửi tới đồng bào miền Nam kịp thời trong lúc khó khăn hoạn nạn. Không chỉ góp công, góp của, Thanh Hóa còn chi viện hàng trăm bác sỹ lên đường vào Nam vì nghĩa lớn. Chính những hành động đầy nghĩa tình ấy, những tấm gương như cụ Mơ, đôi bạn Minh-Hiếu, những y bác sỹ hy sinh vì nghĩa đồng bào đã làm nên tính cách của người Thanh Hóa hôm nay: Sống đẹp và nghĩa tình.
Thế hệ trẻ Thanh Hóa hôm nay đã không còn mặc cảm mình là người Thanh Hóa mỗi khi đi ra. Trái lại, họ luôn tin và tự hào vì mình là người Thanh Hóa.
Vĩ thanh
Câu ca “ăn rau má, phá đường tàu” gắn với xứ Thanh có là chỉ còn trong kí ức. Thanh Hóa hôm nay đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 cả nước. Tốc độ phát triển kinh tế GNDP luôn nằm trong nhóm đầu những năm qua. Thanh Hóa về cơ bản đã cân đối được thu chi, không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách trung ương như trước đây.
Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của Thanh Hóa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 58 làm tiền đề cho việc phát triển toàn diện của xứ Thanh. Bên cạnh sự phát triển của kinh tế, con người Thanh Hóa dần bỏ đi những tính xấu cố hữu, hòa mình vào sự phát triển chung của cả nước.
Thanh Hóa nay khác rồi, kí ức đói nghèo đang dần bị đẩy lùi. Và phía trước của tỉnh Thanh hôm nay là một khát vọng thịnh vượng đang thành hình.