Những câu chuyện "chưa có tiền lệ" trong thời gian giãn cách ở xứ Thanh

07:30 | 12/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở TP.Thanh Hóa, rất nhiều câu chuyện chưa từng có tiền lệ đã xảy ra. PV Doanh nhân Việt Nam đã ghi lại những câu chuyện mắt thấy tai nghe.

Chuyện kể về chiến dịch “giải độc thông tin” đặc biệt

COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, từ 1-8, Công an TP Thanh Hóa đã triển khai chiến dịch “Giải độc thông tin” nhằm thanh lọc tin giả, tin sai sự thật, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái.

Để thực hiện chiến dịch “Giải độc thông tin”, Công an thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh tham gia, trong đó phát huy cao độ vai trò của các thành viên trong Ban chỉ đạo 35 Công an TP Thanh Hóa. Chiến dịch được phát động ngay khi xuất hiện các thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Thanh Hóa và đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Công an TP Thanh Hóa đã thành lập và sử dụng hiệu quả Fanpage của đơn vị để cung cấp cho người dân những thông tin mới liên quan đến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, địa bàn cả tỉnh cũng như trong và ngoài nước, đồng thời đẩy lùi nhiều luồng thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Nổi bật như: Dập tắt các tin sai sự thật về những trường hợp dương tính và nguồn lây của các ca dương tính tại Nông Cống, Như Thanh, Nga Sơn và TP Thanh Hóa. Tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Thanh Hóa cho bà con Nhân dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phản bác các quan điểm sai trái liên quan đến công tác phòng chống dịch tại TP Thanh Hóa; giải thích cho bà con Nhân dân hiểu rõ các quy định, các chính sách liên quan đến dịch bệnh COVID-19 của cơ quan chức năng; tiếp nhận, xử lý các tin báo tố giác tội phạm liên quan đến an ninh trật tự; khuyến cáo quần chúng Nhân dân các nội dung sai sự thật; thông báo khẩn các nội dung cấp bách…

Thông tin được cập nhập liên tục, được kiểm soát chặt chẽ, có hồi đáp kịp thời, nhận được sự ủng hộ và tin tưởng đông đảo Nhân dân. Sau 1 tháng triển khai, Fanpage đã nhận được gần 62.000 lượt đăng kí theo dõi; hàng ngàn lượt chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn, độ phủ sóng đã lên tới con số trên 2.000.000 người tiếp cận. Fanpage đã góp phần quan trọng vào công tác chống dịch ở từng địa bàn dân cư.

Kiểm tra giấy thông hành của người dân

Chiến dịch cũng triển khai lực lượng nắm sát mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố các nội dung phù hợp với tình hình thực tế. Triển khai trực 24/24 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, bám sát địa bàn, chủ động theo dõi sát tình hình để triển khai những biện pháp phù hợp. Lực lượng an ninh cũng đã nắm chắc tình hình an ninh trên không gian mạng, đặc biệt là các hội nhóm kín, qua đó kịp thời, phát hiện và xử lý 4 trường hợp liên quan đến việc đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19; 1 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trả lại sự “trong sạch” cho không gian mạng.

Hiện nay, nhu cầu thông tin của người dân là rất lớn. Những thông tin sai sự thật về tình hình dịch COVID - 19 trên không gian mạng là hết sức nguy hiểm, không chỉ làm cho người dân hoang mang, lo lắng mà còn xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ khiến nhiều mặt hàng khan hiếm, đẩy giá lên cao. Mặt khác, những thông tin đó cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền và các lực lượng chức năng. Do đó, chiến dịch “Giải độc thông tin” của lực lượng an ninh Công an TP Thanh Hóa đã thực sự là một giải pháp hữu hiệu trong thời điểm hiện nay.

Thượng tá Phạm Thái Hùng – Phó Trưởng Công an TP Thanh Hóa chia sẻ: “Trước tình hình tin giả, tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật ngày càng nhiều trên không gian mạng, lực lượng an ninh Công an TP Thanh Hóa đã triển khai ngay chiến dịch “Giải độc thông tin”, huy động sức trẻ an ninh tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, qua đó, trấn áp nạn tin giả, tin sai sự thật, đặc biệt là các thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung”.

Người dân, người dùng mạng xã hội cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không vội tin theo những thông tin vô căn cứ, hoặc đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin đó trên mạng xã hội. Đó cũng là cách hữu hiệu để cùng các lực lượng chức năng vững tâm chống dịch, bảo vệ cuộc sống bình yên cho cộng đồng.

Tranh luận gay gắt về việc chính quyền khóa cổng nhà dân

Ông Trịnh Hữu Vui – Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) xác nhận, để phòng chống dịch Covid - 19 đạt hiệu quả, địa phương đã áp dụng biện pháp khóa cổng nhà đối với các hộ dân có F2 thực hiện cách ly tại nhà.

Theo ông Vui, việc làm này nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các hộ gia đình có người cách ly và người dân địa phương. Một số hộ lúc đầu không chấp thuận việc khóa cổng, nhưng khi được chính quyền tuyên truyền, giải thích đã vui vẻ chấp hành.

Trước đó, chiều 31/8, chính quyền xã Hoằng Thái đã bắt đầu khóa cổng 278 hộ dân với 388 người F2 và chìa khóa được bàn giao cho Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái cất giữ.

Sáng kiến khóa cổng nhà F2 để cách ly nhận nhiều dư luận trái chiều

Theo chính quyền xã Hoằng Thái, ngày 28/8, trên địa bàn có một công dân đang làm việc tại bệnh viện Phổi Thanh Hóa nhiễm Sars-CoV-2. Cơ quan chức năng đã tiến hành truy vết, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng F1 đưa đi cách ly tập trung, đồng thời phong tỏa tạm thời 30 hộ dân tại khu dân cư nơi bệnh nhân sinh sống.

Đối với 388 người được xác định là F2 đã có kết quả test nhanh âm tính, xã Hoằng Thái đã quyết định cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày.

“Người dân ở nông thôn nên họ đã chuẩn bị khá đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu. Mặt khác xã giao cho chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên và các hội đoàn thể thành lập mỗi thôn một tổ để có nhiệm vụ hỗ trợ các hộ gia đình cách ly bất kỳ lúc nào khi họ có nhu cầu.

Chúng tôi cũng đã tính toán đến các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn và đã tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân, nhà ở nông thôn có vườn tược, thông thoáng và chỉ khóa cổng chứ không khóa nhà. Ngoài ra, các tổ phòng dịch thường xuyên đi kiểm tra nên khi phát hiện bất thường thì sẽ xử lý kịp thời”, ông Vui thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Lê Xuân Thu, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoằng Hóa cho biết, biện pháp khóa cổng để phòng chống dịch Covid-19 ở xã Hoằng Thái, huyện cũng đã được báo cáo và Ban chỉ đạo phòng chống dịch chấp nhận.

Việc làm này đã gây nên cuộc tranh luận trái chiều gay gắt. Dư luận chia làm 2 phe, phe ủng hộ cách làm của chính quyền xã Hoằng Thái cho rằng đây là sáng kiến phù hợp với thực tế trên cơ sở người dân đồng tình, bởi không phải ai cũng có ý thức cách ly nghiêm cẩn. Phe còn lại cho rằng việc làm này là chưa đúng với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như những văn bản pháp quy về phòng chống dịch. Hơn nữa, việc khóa trái cổng sẽ khiến người dân ở trong nhà gặp nguy hiểm nếu sự cố cháy nổ, hỏa hoạn hay trường hợp khẩn cấp khác xảy ra.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Quốc hội, chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 không có văn bản nào quy định là phải nhốt, giam lỏng F2 trong nhà bằng hình thức chính quyền khoá cửa cầm chìa khoá.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có văn bản nào quy định về việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà.

Việc chính quyền xã tự khóa cổng nhà dân đối với những người được xác định là F2 là một phương pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và có thể gây ra các hệ lụy xấu đối với người dân.

Cần kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống covid-19 của tỉnh xem có nội dung nào quy định như vậy hay không?

Cần phải xem lại nhận thức về pháp luật đối với một số cán bộ ở chính quyền cấp cơ sở nơi đây để đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, mang lại hiệu quả tốt hơn.

Trong trường hợp, cán bộ tự ý thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được cơ quan chức năng cho phép gây ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, tự do cư trú, ảnh hưởng đến sinh hoạt của công dân thì tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà cán bộ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó anh Đoàn Trung Tùng (TP.Thanh Hóa) bày tỏ quan điểm: “Là người trực tiếp đến xã công tác, ngẫm lại câu chuyện cách ly F2, F3 tại nhà ở xã Hoằng Thái khi có F0, chúng ta thử có một phép tính xem sao?

- F0 phát sinh tại xã tương ứng có khả năng lây nhiễm cho 20F1, gần 400F2 tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp (tương đương 278 hộ dân).

- Nếu cách ly tại nhà vận động nhân dân tự giác chấp hành thì sẽ được gì mà mất gì đây: F2 và F3 muốn ra ngoài không thể kiểm soát bởi Tổ giám sát cộng đồng ở thôn làm là tự nguyện, không có lương mà yêu cầu họ giám sát cả ngày đêm, lực lượng an ninh thì ít kiểm tra ko hết. Đã từng có một số F2, F3 lấy xe máy trốn ra ngoài đi từ 4-5h sáng đến gần trưa mới về (ai giám sát được); hoặc nhiều người có ý thức kém cứ ra ngoài thì hậu quả khôn lường.

- Xã Hoằng Thái có hơn 1100 hộ dân, đáng lẽ khi có F0 và rất nhiều F1, F2, F3 phải phong tỏa mọi con đường đi vào xã, cách ly cả xã theo chỉ thị 15 hoặc 16. Như vậy hơn 1100 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng cả, thiệt hại cho hơn 822 hộ dân không bị F2, F3 sẽ lớn hơn rất nhiều so với 278 hộ tại Thôn 1 và các thôn lân cận bị cách ly, phong tỏa. Cách ly tại nhà 278 hộ dân này nếu quản lý không tốt, có sơ hở còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, còn làm các hộ dân khác trong xã không yên tâm hơn nữa. Việc cách ly 278 hộ theo hình thức khóa cửa cổng thôi tôi nghĩ là biện pháp cần thiết.

Đây là một xã tiếp theo (không tiện nêu tên) đã thực hiện cách ly theo kiểu tự nguyện tại nhà, tất nhiên cũng có Tổ giám sát thường xuyên đi đôn đốc, tuy nhiên cuối cùng hậu quả đã xảy ra và rất lớn cho cả chính quyền và người dân:

- Khi không khóa: Người dân tiếp tục ra ngoài, tranh thủ Tổ giám sát đi qua để trốn ra ngoài. Thực tế đã xảy ra F1 trở thành F0 ngày hôm qua, 21F2 trở thành F1, 63F3 trở thành F2, 63F3 thành F2 này không tự giác chấp hành cách ly tại nhà tiếp tục tạo nên hơn 303 F3 mới trong cộng đồng. Chi phí cho 1 lần test nhanh tầm soát toàn bộ đã mất hơn 100 triệu đồng (đấy là mới 1 lần, chưa kể 1 vài lần nữa nếu lại có F0), chưa kể bao nhiêu lực lượng làm cả ngày đêm truy vết, đưa F1 đi cách ly tập chung, F2 lại cách ly tại nhà. Các bạn xem hậu quả thế nào và phải làm sao cho đúng?

- Nếu chúng ta khóa cửa: Thì ngay cả F1 có trở thành F0 thì F3 cũng không tiếp tục tiếp xúc với ai coi như hết nguồn lây. Trừ các trường hợp Vô ý thức, Ko chấp hành thì cũng ko lấy được phương tiện để ra đường đi quá xa, bởi có ở trong xã cũng sẽ có người chấp hành tốt nhắc nhở.

Quan điểm mỗi người có thể khác nhau, ai cũng có thể thấy việc này đúng, việc kia sai. Nhưng chúng ta hãy đứng vào địa vị của chính quyền trong lúc này, đứng vào vai trò của họ để thấy rằng phải quyết liệt hành động bằng nhiều giải pháp, đem lại sự an toàn và bình yên của Nhân dân trong thời buổi đại dịch như thế này. Nếu không cẩn thận mỗi địa phương ta đang ở, lại biến thành một khu vực nào đó hiện đang rất thương đau”.

Trước áp lực của dư luận, hiện Hoằng Hóa đã thu hồi tất cả ổ khóa, mở cổng cho tất cả các hộ dân.

Sống lại kỷ niệm thời tem phiếu

Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn TP Thanh Hóa, chính quyền đã thực hiện việc phát phiếu đi chợ cho người dân. Nhiều người cho biết lâu lắm họ mới có cảm giác cầm phiếu đi chợ, kể từ thời bao cấp. Những người có tuổi chia sẻ, việc này khiến họ nhớ lại những kỷ niệm từ thời tem phiếu. Có điều ngày xưa chỉ mang tem phiếu ra hợp tác xã, cửa hàng mậu dịch là có thể đổi lấy gạo, lấy thịt. Bây giờ cầm phiếu ra chợ, ra siêu thị mua hàng bên cạch phiếu đi chợ thì vẫn phải có… tiền! Dù có phiền hà, cách rách thêm đôi chút nhưng tất cả người dân thành phố đều vui vẻ chấp nhận bởi mọi người đều có chung mục tiêu cắt đứt chuỗi lây lan của COVID-19.

Ghi phiếu đi chợ cho người già

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Chợ đầu mối rau quả Đông Hương, phường Đông Hương thành lập 7 chốt, huy động lực lượng chức năng gần 40 người kiểm soát các lối ra vào chợ theo quy trình 1 chiều. Tại chợ Điện Biên, phường Điện Biên, Ban Quản lý chợ thu phiếu, ghi chép lưu giữ lại thông tin người đến chợ. Người dân đi chợ đều thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang. Một số người còn mang kính chống giọt bắn để bảo đảm an toàn. Lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ người già chưa kịp ghi thông tin vào phiếu trước khi đến chợ.

Những câu chuyện kể trong thời gian giãn cách ở Xứ Thanh vui có, buồn có. Với đa phần người dân ở thành phố ven sông Mã, đó sẽ vẫn là những kỷ niệm đặc biệt mà họ chưa từng trải qua trong đời. Tất cả đều cùng nhau chung tay với chính quyền với mục tiêu duy nhất lúc này là đẩy lùi dịch bệnh, sớm trở lại trạng thái bình thường. Với sự hợp tác của từng người dân, chắc chắn những ngày bình yên, sôi động ở thành phố Thanh Hóa sẽ sớm trở lại.