Thanh Hóa nỗ lực để 24.000 hộ dân sẽ được tiếp cận nước sạch trong thời gian tới

08:57 | 12/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỉnh Thanh Hoá đang đề xuất "Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025", vay vốn Ngân hàng thế giới, nếu dự án được triển khai sẽ có 24.000 hộ dân của tỉnh này được tiếp cận với nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN).

Đề xuất đầu tư dự án hơn 500 tỷ đồng

Mới đây, chiều ngày 9/9/2021, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội nghị trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc hỗ trợ chuẩn bị dự án Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu USD. Trong đó, Thanh Hoá là một trong 18 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đề xuất tham gia dự án và xin ý kiến góp ý của Trung ương.

Tỉnh Thanh Hoá đề xuất Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 vay vốn WB. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23,67 triệu USD (tương đương 544,5 tỷ đồng), trong đó: vốn vay WB: 21,74 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng); vốn đối ứng của tỉnh Thanh Hóa: 1,93 triệu USD (tương đương 44,5 tỷ đồng.

Mục tiêu cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho hộ gia đình, bảo đảm tính bền vững của đầu tư vào nước sạch và vệ sinh, hiệu quả tổng thể của quản lý công trình nước sạch. Đồng thời, củng cố nước sạch, vệ sinh nông thôn và thể chế của ngành thông qua các chính sách, sự tham gia của khối tư nhân. Quy mô dự án gồm 3 hợp phần: Nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu; Cải thiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch COVID-19 và hỗ trợ thực hiện Dự án, nâng cao năng lực, tăng cường thể chế.

Nếu dự án được triển khai thực hiện sẽ có 6 công trình cấp nước tập trung được xây dựng, 24.000 hộ dân thuộc 19 xã, thị trấn của 6 huyện được tiếp cận với nước sạch đạt QCVN, 105.000 người được tiếp cận nước sạch, 40 trường học, 19 trạm y tế được cấp nước sạch và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, việc quản lý hệ thống nguồn nước, năng lực về lĩnh vực nước sạch của các cấp được nâng cao. Hoạt động cấp nước an toàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm công trình hoạt động bền vững.

Nếu dự án được triển khai thực hiện sẽ có 24.000 hộ dân thuộc 19 xã, thị trấn của 6 huyện được tiếp cận với nước sạch đạt QCVN

Sau khi nhận được dự án của tỉnh Thanh Hoá, các đơn vị liên quan cơ bản hoan nghênh và xác định tỉnh Thanh Hóa có đầy đủ những điều kiện để tham gia dự án. Tuy nhiên, các đơn vị cũng đề xuất tỉnh Thanh Hoá cần bổ sung một số điểm để tăng tính thuyết phục của dự án, như: Cập nhật thêm danh sách những dự án đã, đang được giải ngân từ WB để thấy được năng lực vay, lộ trình trả nợ của tỉnh, phản ánh rõ nét hơn về tác động của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lộ trình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình quản lý, vận hành dự án. Đồng thời, cần thuyết phục được các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận dự án và thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện để bảo đảm tiến độ thực hiện.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của Tổng cục Thủy lợi và WB, ông Lê Đức Giang khẳng định, tỉnh Thanh Hóa xác định đây là dự án có tính quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc người dân nông thôn trong điều kiện diễn biến khí hậu ngày các phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn, an ninh nguồn nước đang bị đe dọa. Dự án được hình thành và triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch bền vững, đảm bảo an toàn; môi trường sống được cải thiện; góp phần giảm thiểu bệnh tật và chi phí liên quan đến chữa bệnh.

Vì vậy, ông Giang đề nghị các Bộ ngành, Ngân hàng Thế giới xem xét cho tỉnh Thanh Hóa được tham gia vào Dự án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt đề xuất Dự án “Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Thanh Hóa, vốn vay WB”.

Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch

Theo tìm hiểu, trong những năm vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn. Nhiều dự án cấp nước sạch được triển khai theo hình thức xã hội hóa. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 95%.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 26 đô thị có hệ thống cấp nước tập trung đã, đang khai thác, sử dụng, trong đó, 23 đô thị có nhà máy xử lý nước sạch, 3 đô thị sử dụng nước thô (các thị trấn Quan Sơn, Mường Lát, Thường Xuân). Tổng công suất thiết kế của hệ thống cấp nước đô thị tập trung khoảng 279.320m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 95%. Hệ thống cấp nước đang được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống đạt 97%, tiêu chuẩn cấp nước trung bình tại các đô thị khoảng 120 lít/người/ngày đêm; cấp nước bao phủ đạt 90% đối với đô thị loại V, đạt 100% đối với đô thị loại IV trở lên. Đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị tại Thanh Hóa được sử dụng nước sạch qua hệ thống đạt 100%, tiêu chuẩn cấp nước trung bình tại các đô thị khoảng 120 lít/người/ngày đêm.

Tại Thanh Hóa các dự án trọng điểm cấp nước sạch sẽ triển khai đầu tư xây dựng như: xây dựng hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc tuyến Quốc lộ 47, TP. Thanh Hóa và vùng phụ cận, công suất mỗi trạm 150.000m3/ngày đêm. Xây dựng hệ thống cấp nước thô từ hồ Cửa Đạt về Khu Kinh tế Nghi Sơn, công suất 100.000m3/ngày đêm; xây dựng nhà máy nước tại hồ Hao Hao, công suất 105.000m3/ngày đêm.

Thanh Hóa cũng chú trọng đầu tư các trạm xử lý nước thải cho các đô thị loại IV trở lên

Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện, như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hoằng Hóa, tại xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, công suất 6.500m3/ngày đêm, của Công ty CP Vnwater Hoằng Hóa. Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch cho thị trấn huyện Hậu Lộc và một số xã lân cận, công suất 5.000m3/ngày đêm của Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 Thanh Hóa. Dự án hệ thống cấp và xử lý nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, với công suất 2.000m3/ngày đêm. Nâng công suất nhà máy nước sạch hiện có tại hồ Đồng Chùa, của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh và Nhà máy nước sạch tại hồ Quế Sơn, của liên danh Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát và Công ty TNHH MTV Sông Chu, công suất thiết kế tăng lên 60.000m3/ngày đêm…

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng đầu tư các trạm xử lý nước thải cho các đô thị loại IV trở lên. Phấn đấu tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%; tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đến năm 2025 đạt 80%, đến năm 2030 đạt 90% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị.