Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc 7 nhiệm vụ phòng dịch COVID-19

12:23 | 12/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đó là nội dung trong Thông báo số 452-TB/TU ngày 10-8-2021 của Văn phòng Thành ủy Hà Nội về Kết luận của Thường trực Thành ủy về tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề ra 7 nhiệm vụ nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thực chất hơn, hiệu quả hơn và chỉ đạo các cấp, các ngành thành phố tập trung thực hiện nghiêm túc. 

Đầu tiên, yêu cầu toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố tiếp tục kiên trì, đồng bộ, quyết liệt thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống dịch theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản chỉ đạo các cấp trung ương và thành phố khác. 

Thường trực đề nghị Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chỉ đạo sâu sát, nắm chắc tình hình, rà soát, đôn đốc các Tổ công tác, giải quyết, tháo gỡ kịp thời vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, phát sinh. 

Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố gửi chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động huy động các lực lượng tham gia phục vụ công tác xét nghiệm trên địa bàn, đặt hàng với các cơ sở y tế có phương tiện, khả năng xét nghiệm để triển khai thực hiện; đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm vaccine COVID-19. 

Các tuyến đường trên địa bàn cần được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu các chốt do các địa phương thiết lập bảo đảm đủ lực lượng trực 24/24h và 7/7 ngày trong tuần. Huy động các lực lượng kiểm soát đến ngõ, phố, thôn, xóm, khu dân cư; thành lập các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn để tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở... 

Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc 7 nhiệm vụ phòng dịch COVID-19 - ảnh 1

Đường phố Hà Nội những ngày giãn cách theo chỉ thị 16. Ảnh: VnExpress

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm đối với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường vai trò, trách nhiệm chỉ huy "4 tại chỗ". 

Thường trực đề nghị các cơ quan y tế sàng lọc chính xác từng F1, tránh bỏ sót hoặc đưa người không có liên quan vào nhóm đối tượng F1 phải cách ly tập trung. Sau khi phát hiện cần xét nghiệm và tổ chức bàn giao lực lượng vận chuyển của Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã đưa đến các cơ sở cách ly của địa phương và tiếp nhận bàn giao cho chính quyền địa phương sau khi có quyết định kết thúc cách ly y tế để địa phương theo dõi, quản lý tại gia đình đúng quy định.

Yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kể cả cơ quan Trung ương; siết chặt hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định.

Về công tác mua sắm vật tư thiết bị y tế, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế hoàn thiện công tác tổng hợp và khảo sát nhu cầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, báo cáo thành phố xem xét giải quyết. Chỉ đạo các các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai mua sắm đầy đủ vật tư trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm, phương tiện bảo hộ, đặc biệt chuẩn bị ngay ô xy, máy thở tại các cơ sở điều trị và khu cách ly. 

Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện các phương án nâng công suất giường bệnh điều trị và nâng công suất cách ly tập trung; kích hoạt 100% các khu cách ly tập trung của các quận, huyện, thị xã. Đối với 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, giao Bộ Tư lệnh Thủ đô hỗ trợ trung tâm cách ly tập trung đưa F1 của 4 đơn vị đi cách ly. 

Công tác an sinh xã hội các cấp ngành cần bổ sung đối tượng hỗ trợ người khó khăn; hỗ trợ cho các hộ trong khu vực phong tỏa, nhất là đối tượng khó khăn; rà soát, hỗ trợ sinh viên đang ở khu Pháp Vân - Tứ Hiệp đến nơi khác để làm điểm cách ly tập trung và nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp.

Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng mọi hình thức; tổ chức vận động các lực lượng đoàn viên, hội viên, nhân dân, lực lượng tình nguyện viên tích cực tham gia phòng, chống dịch. Phát hiện, nhân rộng và khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Trước đó, vào hôm 10/8 Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND triển khai xét nghiệm COVID-19 diện rộng trên địa bàn thành phố. 

Để thực hiện đạt kết quả cao Hà Nội phân chia đối tượng xét nghiệm theo nhóm nguy cơ, gồm "nhóm đỏ", "nhóm vàng" và "nhóm xanh.

"Việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận và các huyện có nguy cơ cao: Mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất. Việc tổ chức xét nghiệm đối với đối tượng F0, F1, người nhập cảnh, người đi về từ vùng dịch, các đối tượng khác... được thực hiện thường quy theo quy định", Chủ tịch Hà Nội nêu rõ.

Hà Nội sử dụng kết hợp 2 phương pháp xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh để xác định nhiễm SARS-CoV-2 (phương pháp test nhanh). Chính quyền thành phố ưu tiên phương pháp RT-PCR để tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc xác định các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

H.S

Xem thêm: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid – 19 đối diện với những khó khăn gì?