Tháo nút thắt cho các dự án đầu tư

10:20 | 17/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy các dự án đầu tư.Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương..

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2020, có 70.679 dự án thực hiện đầu tư (cao hơn khá nhiều so với con số 69.011 dự án của năm 2019; 56.567 dự án của năm 2018; 51.947 dự án của năm 2017 và 45.147 dự án của năm 2016). Trong đó, có 32.120 dự án chuyển tiếp, chiếm 45,44%; 38.559 dự án khởi công mới, chiếm 54,55% (trong số này, có 73 dự án nhóm A, 976 dự án nhóm B và 37.510 dự án nhóm C).

Điều đáng chú ý là, trong năm 2020 có 31.799 dự án kết thúc đầu tư, được đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, trong số này, có 227 dự án có vấn đề kỹ thuật, không hiệu quả.

Các con số khác cũng rất đáng lưu tâm. Đó là, theo số liệu được các bộ, ngành, địa phương báo cáo, năm 2020 có 1.867 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện trong kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng (1.074 dự án); thủ tục đầu tư (407 dự án); bố trí vốn không kịp thời (219 dự án); năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (157 dự án); do các nguyên nhân khác (591 dự án).

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới được gần 134.000 tỷ đồng, đạt trên 29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (34%). Đặc biệt, trong số này, giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 7,37%. Đây là một tỷ lệ rất thấp.

Tháo nút thắt cho các dự án đầu tư - ảnh 1

Các nguyên nhân lại tiếp tục được chỉ ra, và có lẽ, vẫn là các căn bệnh cũ. Đó là một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất; công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo sát sao; công tác triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, chưa quyết liệt; người đứng đầu ở một số nơi còn chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra…

“Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’, cùng một mặt bằng pháp luật, nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công..., dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi: liệu kết quả giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm mới đạt trên 20%, đặc biệt, có 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 8 bộ, ngành giải ngân dưới 1%, có phải nút thắt của nền kinh tế?.

Ông Thanh cũng cho biết, mới đây, thực hiện giám sát các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, Ủy ban Kinh tế thấy xảy ra tình trạng thiếu nguyên vật liệu để đắp nền. Giá đất tăng, giá thép cũng tăng dẫn đến tiến độ thi công chậm hoặc bị dừng. “Tiến độ các công trình trọng điểm đã chậm, nếu diễn biến cứ như vậy mà không có biện pháp hữu hiệu để giải quyết, thì còn chậm nữa”, ông Thanh nói.

Liên quan vấn đề này, trong báo cáo hoàn thành ngày 8/6, Chính phủ nhìn nhận hạn chế là, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%), vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%.

Tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm 2021 chưa đạt yêu cầu đề ra, theo đánh giá của Chính phủ, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến giá cả nguyên vật liệu tăng đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được sâu sắc và đầy đủ, chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành triển khai các giải pháp đã đề ra. Năng lực quản lý, điều hành, thi công của các ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế; còn tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên tắc quan trọng nhất của việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy sự tăng trưởng của các cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, 2,75 triệu tỷ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 sẽ được “tiêu” theo phương án bảo đảm đủ vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đủ vốn hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường ven biển với phương án dự kiến khả thi nhất…

Để thúc đẩy các dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1242/QĐ – TTG thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng; tổ phó thường trực Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; các tổ phó Tổ công tác là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.

Thủ tướng yêu cầu trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Thủ trưởng các bộ, cơ quan có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo bộ, cơ quan tham gia Tổ công tác và gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Quyết định số 242, nhiệm vụ của Tổ công tác là tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật;

Tổ công tác còn có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương;

Bên cạnh đó, Tổ công tác còn được giao nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao  nhằm vận động, xúc tiến đầu tư.

Đặc biệt, Tổ công tác còn thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt nam;

“Định kỳ hằng quý hoặc trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả, tiến độ, hướng xử lý nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân liên quan”, Quyết định số 1242 nêu rõ.

 

Lam Trường (TH)