Tháo nút thắt để thị trường bất động sản phát triển bền vững
16:16 | 18/02/2020
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn để phát triển và đưa ra đề xuất kiến nghị sát với thực tế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức hội nghị trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách của nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam vào sáng 18/2.
Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có ảnh hưởng to lớn đến các ngành kinh tế khác như tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng, du lịch dịch vụ… và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như sự ổn định xã hội. Các cơ chế chính sách của Nhà nước có tác động sâu sắc đến sự phát triển của thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong nước và nước ngoài.
Tại hội nghị, nhìn nhận về thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch VNREA chia sẻ: Trong bối cảnh thời tiết u ám, bệnh dịch và kinh tế chưa có các tín hiệu sáng đồng thời thị trường phải chịu tác động từ các thông tin siết chặt tín dụng vào bất động sản cộng với việc siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện, thị trường có dấu hiệu trì trệ. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ra văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho loại hình condotel. Đây là một trong những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
Hiện VNREA đang tổng hợp lại toàn bộ tình hình giao dịch bất động sản 2019 và các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp kiến nghị trong hội nghị này để gửi lên Thủ tướng.
Chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest chia sẻ: "Trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất bởi họ đang bị chi phối bởi 10 loại luật và thủ tục hành chính như một ma trận vây doanh nghiệp. Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất là sửa luật. Với câu chuyện tắc nghẽn dự án hiện nay, điển hình như tại TPHCM thì nguyên nhân là vướng mắc tại Luật Đất đai. Nếu như được kiến nghị thì tôi cũng kiến nghị sửa Luật Đất đai. Ngay bản thân GP.Invest cũng đã rất khổ sở khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai, có dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành, có dự án phải trải qua 5 "đời" Chủ tịch của địa phương tại Phú Thọ mà đến nay vẫn chưa triển khai được… Những nỗi khổ này ai thấu cho doanh nghiệp bất động sản?”.
Chia sẻ thêm về các khó khăn thực tế doanh nghiệp đang gặp phải, bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng Giám đốc FLC điểm mặt 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.
"Về pháp lý, có luật chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản. Nếu khơi thông được luật, sẽ khơi thông được các dự án bất động sản”, bà Dung phản ánh.
Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương…
Bên cạnh đó mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại. Để làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm. Điều này không chỉ gây khó khăn mà còn khiến doanh nghiệp bị lỡ cơ hội đầu tư.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho hay: “Trong quá trình ban hành luật, nghị định văn bản không thể tránh khỏi những xung đột cần phải giải quyết. Do đó, trong quá trình thực tiễn triển khai dự án doanh nghiệp sẽ gặp những vướng mắc cần tháo gỡ. Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo và lắng nghe khó khăn, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Việc của VNREA và các doanh nghiệp hiện nay là thống nhất xem cần kiến nghị điều gì ngay và gấp để thị trường được thông thoáng, doanh nghiệp an tâm”.
Theo ông Phúc có hai vấn đề cần quan tâm hiện nay, thứ nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong các bộ luật. Theo đó, cần trình Quốc hội những vướng mắc cần xử lý và phương án xử lý, những gì có thể xử lý được là làm luôn, phải phản ứng chính xác và nhanh nhất với thị trường. Thứ hai là vướng mắc về nguồn vốn và các vấn đề khác thì doanh nghiệp cần giải trình, nghiên cứu và kiến nghị thật cụ thể thì mới có thể thuyết phục được Thủ tướng.
Lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hồi đáp: "Cần phải phân biệt rõ hai vấn đề, một là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản và hai là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mà cụ thể là nhà ở xã hội".
Bên cạnh đó, theo ông Ninh, thị trường bất động sản có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nên đề nghị các doanh nghiệp cần phải kiến nghị rõ, điều nào, khoản nào trong các quy định đang gây khó khăn cho thị trường thì Bộ Xây dựng mới có thể căn cứ vào đó để tập hợp và nêu ý kiến. Hiện nay, Luật Đầu tư đang được sửa, nếu những vấn đề doanh nghiệp nêu ý kiến trong chấp thuận đầu tư có thể sửa đổi thì sẽ thông thoáng cho thị trường. Với vấn đề nhà ở xã hội, đúng là việc cấp vốn, chính sách hỗ trợ vốn cho phân khúc này còn nhiều khó khăn nên cần phải đưa thêm nhiều các kiến nghị lên Chính phủ.