Thắp sáng “Tổ quốc nơi đầu sóng”

17:36 | 18/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo EVN, năm 1991, lưới điện 35 kV vượt sóng, vươn ra đảo Cát Hải (Hải Phòng) ghi dấu lần đầu tiên một huyện đảo ở Việt Nam sử dụng điện lưới quốc gia. Từ đây, hành trình thắp sáng “Tổ quốc nơi đầu sóng” bắt đầu.
Vượt sóng đưa điện ra đảo
 
EVN đã nỗ lực thu xếp vốn để nhanh chóng đưa điện tới các xã đảo, huyện đảo của Tổ quốc. Chỉ tính trong giai đoạn 2013-2018, EVN đã triển khai hàng loạt dự án đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo, xã đảo, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 7.500 tỷ đồng. Nhờ đó, quy mô hệ thống điện và sản lượng điện cấp cho các huyện đảo cũng tăng lên đáng kể. Hệ thống lưới điện trung, hạ áp tăng 350-400% về quy mô so với thời điểm trước khi EVN tiếp nhận và tổ chức bán điện đến các hộ dân.
Thắp sáng “Tổ quốc nơi đầu sóng” - ảnh 1
Tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á đưa điện đến đảo Phú Quốc năm 2014.
 
Trong quá trình thi công các dự án cấp điện, EVN và các nhà thầu, các đơn vị thi công đã phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, giông bão, con nước thủy triều thất thường; điều kiện thi công phức tạp, phụ thuộc hoàn toàn vào đặc thù địa chất từng vùng biển… 
 
Cụ thể, với dự án kết nối lưới điện quốc gia ra đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), việc rải đường dây 110 kV bằng khinh khí cầu dù đã được tính toán kỹ lưỡng và được coi là phương án khả thi nhất, nhưng khi triển khai, nhà thầu vẫn “đau đầu” bởi khí hậu biển biến đổi thất thường, gió mạnh, lại vướng nhiều tàu, bè, gây khó khăn rất lớn. 
 
Còn với dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang), có đến 40% thời gian thi công dự án, EVN phải chống chọi, thực hiện thi công trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên. Thậm chí, có những thời điểm biển động, khiến tiến độ dự án tưởng như không cách nào có thể “đúng hẹn”.
 
Hay đối với Trường Sa, do vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nên việc  quản lý cung ứng điện cho quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 khó khăn hơn bội phần. Vượt lên trên tất cả khó khăn đó, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo điện tại 11 huyện đảo.
 
Tạo đà phát triển kinh tế biển đảo và góp phần giữ vững chủ quyền đất nước
Thắp sáng “Tổ quốc nơi đầu sóng” - ảnh 2
EVN quản lý, vận hành hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
 
Từ chỗ chưa có điện, hoặc chỉ được cấp điện vài giờ mỗi ngày, các huyện đảo đã được cung ứng đủ điện 24/24h với chất lượng ổn định, qua đó góp phần vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc điện khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… tạo điều kiện cho người dân trên các đảo có cơ hội thoát nghèo, từng bước làm giàu, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế biển.
 
Có điện ổn định cũng là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch tại các đảo. Trong đó một số huyện đảo đã phát triển bùng nổ dịch vụ du lịch, trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế, như đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô…
 
Đặc biệt, từ khi EVN trực tiếp quản lý, các hộ dân trên đảo được sử dụng điện với giá Nhà nước quy định, xoá bỏ hoàn toàn tình trạng người dân trên nhiều đảo phải trả giá điện cao, do phải sử dụng nguồn phát điện bằng dầu diesel như trước đây. Nhờ đó, đảm bảo công bằng giữa người dân trên đất liền và hải đảo, giúp người dân yên tâm bám biển.
 
Đảm bảo cung ứng điện tại các huyện đảo trên cả nước luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được EVN chú trọng thực hiện. Tập đoàn tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo điện ổn định, liên tục, tin cậy trên các huyện đảo, với mục tiêu không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, mà trên hết là góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. 
Minh Huệ