Thế hệ Millennials có thể trở thành thế hệ giàu có nhất từ trước đến nay

Minh Trang/TTXVN 11:23 | 04/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thế hệ này có thể thừa kế khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD do thế hệ cha ông truyền lại trong 20 năm tới.
 

Theo Báo cáo tài sản năm 2024 của công ty tư vấn và kinh doanh bất động sản toàn cầu Knight Frank, thế hệ Millennials (nhóm nhân khẩu học sinh từ năm 1981 đến năm 1996) có khả năng trở thành thế hệ giàu có nhất từ trước đến nay. Thế hệ này có thể thừa kế khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD do thế hệ cha ông truyền lại trong 20 năm tới.

Thế hệ Millennials, còn được gọi là Thế hệ Y, có thể sẽ đạt được thành công lớn trong 20 năm tới nhờ của cải sở hữu và các tài sản khác do cha mẹ và ông bà của họ tích lũy. Con số này có thể đạt khoảng 90.000 tỷ USD (83.100 tỷ euro) chỉ riêng ở Mỹ.

Theo Yahoo Finance, khi thế hệ im lặng (những người sinh từ năm 1925 đến năm 1945), thế hệ bùng nổ dân số (những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964) và thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 đến năm 1979) qua đời, khối tài sản trị giá 2.500 tỷ bảng Anh (2.900 tỷ euro) gắn liền với tài sản của họ, cùng với các ngôi nhà sẽ được truyền lại cho con cháu của họ.

Ông Liam Bailey, người đứng đầu nghiên cứu toàn cầu tại Knight Frank, tin rằng dòng tài sản truyền lại cho thế hệ trẻ có thể sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường đầu tư bền vững và giảm lượng khí thải carbon có ý thức. Ông Bailey cho biết: “Thế hệ Millennials dường như đã nhận được thông điệp khi nói đến việc cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng, 80% nam giới và 79% nữ giới thuộc nhóm nhân khẩu học này được hỏi nói rằng họ đang cố gắng giảm lượng khí thải carbon”.

Sự bù đắp cho những cú sốc kinh tế?

Mặc dù việc thừa kế có thể sẽ bổ sung thêm một lượng khá lớn vào nguồn tài chính của thế hệ trẻ trong tương lai, nhưng thực tế hiện tại còn nghiệt ngã hơn rất nhiều. Thế hệ Millennials đã quay cuồng trước một số cú sốc như Brexit (chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), đại dịch COVID-19, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, xung đột Nga-Ukraine và hậu quả là cuộc khủng hoảng năng lượng. Gần đây nhất, cuộc xung đột Israel-Hamas và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng bất ổn về kinh tế và địa chính trị.

Một số yếu tố trên cũng dẫn đến lạm phát gia tăng, trong đó lạm phát ở Anh chạm mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% vào tháng 10/2022. Mặc dù tỷ lệ lạm phát này đã giảm mạnh kể từ đó, đạt mức 4% vào tháng 1/2024, nhưng vẫn cao gấp đôi mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE). Đổi lại, điều này đã dẫn đến lãi suất cao hơn khi BoE cố gắng đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát. Tỷ lệ lãi suất thế chấp cũng đã tăng lên. Giá bất động sản khiến nhiều người thuộc thế hệ Millennials nói rằng hiện tại họ không đủ khả năng mua nhà.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng góp phần khiến nhiều người thuộc thế hệ trẻ nói rằng họ chi trả cho cuộc sống hàng tháng bằng tiền lương và không đủ khả năng bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc quỹ lương hưu. Điều này trái ngược với hình ảnh khuôn mẫu về việc thế hệ trẻ đang lãng phí tiền vào những loại cà phê đắt tiền và những thứ xa xỉ khác.

Theo báo cáo kiểm toán giữa các thế hệ năm 2023 của Resolution Foundation (một tổ chức tư vấn độc lập của Anh được thành lập vào năm 2005), những người thuộc thế hệ Millennials sinh vào cuối những năm 1980 kiếm được trung bình ít hơn 8% ở tuổi 30 so với những người thuộc thế hệ X khi họ ở cùng độ tuổi.

Thế hệ Millennials lạc quan hơn về tăng trưởng thu nhập

Tuy nhiên, không phải tất cả đều là sự u ám. Khảo sát thế hệ tiếp theo của Knight Frank nhấn mạnh rằng 75% nam giới có tài sản ròng cao (HNWI - những người có tài sản lưu động ít nhất 1 triệu USD) thuộc thế hệ Millennial kỳ vọng tài sản của họ sẽ tăng trong 12 tháng tới. Khi nói đến phụ nữ, 64% nữ HNWI thuộc thế hệ Millennial cũng mong đợi điều tương tự.

Điều này có thể là do một số nhà đầu tư cảm thấy rằng các chính sách kiềm chế lạm phát của ngân hàng trung ương cho đến nay đã phát huy tác dụng khá tốt, với quá trình giảm phát đang tăng tốc trong vài tháng qua. Triển vọng cắt giảm lãi suất của một số ngân hàng trung ương lớn trong năm nay cũng góp phần tạo nên tâm lý tích cực.

Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Bất chấp một số cú sốc kinh tế, một số cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của Mỹ, cũng vẫn hoạt động tốt. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là một trong những doanh nghiệp thành công nhất trên thị trường thời gian qua, tạo ra sự quan tâm đáng kể, trong đó các công ty như Nvidia hoạt động đặc biệt tốt.

Ông Bailey cho biết: "Triển vọng lãi suất được cải thiện, hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán đã giúp tạo ra sự giàu có trên toàn cầu. Vào cuối năm 2023, số cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (UNHWI) cao hơn 4,2% so với một năm trước, với gần 70 nhà đầu tư rất giàu có được tạo ra mỗi ngày”. Cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao được định nghĩa là những người có tài sản đầu tư ít nhất là 30 triệu USD, thường không bao gồm tài sản cá nhân và tài sản như nhà ở chính, đồ sưu tập và đồ dùng tiêu dùng.

Theo Wealth Report, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, với số lượng người giàu trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 28,1% vào năm 2028. Malaysia (Ma-lai-xi-a) dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 35%, trong đó Indonesia là 34%, Ấn Độ là 50% và Trung Quốc đại lục 47%. Tuy nhiên, trên toàn cầu, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 44% được thấy trong 5 năm tính đến năm 2023.

Thế hệ Millennials cũng lạc quan hơn về việc giá nhà ở ngày càng tăng, điều này có thể khiến giá trị tài sản và đầu tư bất động sản của họ tăng lên đáng kể khi họ được thừa hưởng chúng từ các thế hệ trước.