Thêm nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam-Singapore
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, sáng 25/4,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore với sự tham dự của hơn 700 đại biểu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu nói của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: "Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, câu nói đó vẫn luôn là lời động viên chân thành đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Từ năm 1992, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, đặt vấn đề kết nối 2 nền kinh tế với sự khởi đầu là thành lập khu VSIP ở Bình Dương.
Hiện nay, Singapore đã đầu tư vào Việt Nam hơn 43 tỷ USD với gần 2.000 dự án. Năm 2017 kim ngạch thương mại hai nước đạt 8,3 tỷ USD. Chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 93 dự án đầu tư tại Singapore với tổng vốn là 235 triệu USD. Năm 2017, đã có 28 vạn lượt người Singapore thăm Việt Nam và khoảng 40 vạn lượt người Việt Nam sang Singapore, hiện có gần 10.000 du học sinh Việt Nam tại Singapore.
Thủ tướng cho rằng, những con số trên chứng tỏ môi trường đầu tư của Việt Nam đã có bước tiến đáng mừng. Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố tháng 2 vừa qua, có 65,1% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh có lãi trong năm 2017, gần 70% doanh nghiệp có ý định mở rộng kinh doanh.
“Những tín hiệu tích cực này giúp chúng tôi có thêm niềm tin, củng cố quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh trong Nhóm đầu ASEAN và hướng đến các chuẩn mực của OECD”, Thủ tướng khẳng định. Tập trung giảm chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí về thủ tục hành chính, logistics, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất và đổi mới - sáng tạo; chủ động tận dụng cơ hội Cách mạng công nghiệp 4.0, kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài; hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng cao".
Thủ tướng cho biết, Việt Nam có cấu trúc dân số trẻ với 57% người dân dưới 35 tuổi, có thu nhập và sức mua ngày càng tăng. Tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng đạt gần 70% GDP tạo nên một thị trường đầy tiềm năng. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 4/2018, ghi nhận có 13% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu đang làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho nhà đầu tư.
Việt Nam có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương về kết nối Internet. Việt Nam cũng là nước có kết nối điện thoại di động cao với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng trong nhóm đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động.
“Đây vừa là một nền tảng quan trọng vừa là cơ hội lớn để giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng lớn của Việt Nam”, Thủ tướng nói. “Đặc biệt, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo. Tính năng động kinh tế, chính sách mở Internet và mức độ phức tạp, trình độ về sản xuất kinh doanh được nâng lên đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Theo đó chúng tôi khuyến khích các Quỹ đầu tư hướng vào nâng đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo tiềm năng”. Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các ý tưởng khởi nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ, cũng như thực hiện các cam kết bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các Hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn sự hợp tác của các đối tác Singapore sẽ mang đến những kinh nghiệm hay về thành tựu của nền kinh tế khởi nghiệp của quốc gia khởi nghiệp Singapore đến Việt Nam. Việt Nam đang chờ đón các nhà đầu tư Singapore trong giai đoạn mới mà cụ thể là Diễn đàn hôm nay đã có 16 bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên được trao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng sau Diễn đàn ngày hôm nay, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cùng làm ăn được mở ra cho các doanh nghiệp hai nước vì sự phát triển toàn diện của hai quốc gia và của toàn khu vực.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia Singapore Lawrence Wong cho rằng, Việt Nam là bài học, câu chuyện thành công, là thị trường mới nổi hấp dẫn nhất tại ASEAN. “Nhiều người Singapore thích đến Việt Nam làm ăn kinh doanh, không chỉ tới các thành phố lớn mà cả nơi ít ai biết đến”.
Nêu ra hàng loạt lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy hợp tác, ông Lawrence Wong bày tỏ, các doanh nghiệp Singapore rất quan tâm đến Việt Nam khi trong hội trường này có rất nhiều các doanh nghiệp Singapore. “Tôi hy vọng hai bên sẽ kết nối với nhau để tìm kiếm quan hệ đối tác, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Chính phủ và đơn vị tổ chức Diễn đàn hôm nay chỉ là những 'bà mối' mà thôi. Chúng tôi đưa các bạn đến với nhau, gặp gỡ nhau, xem quan hệ phát triển như thế nào thì tùy thuộc vào các bạn. Chúng tôi tạo môi trường thuận lợi, 'mai mối' các bạn với nhau và hy vọng các bạn sẽ có quan hệ hợp tác thành công”, ông bày tỏ.
Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Singapore về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai Thủ tướng cũng đã nhất trí tích cực thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và giao lưu nhân dân; cũng như khai thác tốt tiềm năng kết nối hàng không, tăng lượng khách và vận chuyển hàng hóa giữa hai nước và với nước khác; tiến tới tự do hóa Hiệp định hàng không. Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hơn nữa thông qua vận tải biển và logistics. Singapore cam kết đào tạo nhân viên hàng không dân dụng và hàng hải Việt Nam. Hai Thủ tướng hoan nghênh hai bên nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Singapore và Nha Trang.