Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng: thủ tục đưa vốn vào nền kinh tế phải nhanh hơn nữa

Thùy Dung 16:21 | 27/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm nay hay tăng trưởng hai con số trong năm sau, cũng như kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, suy cho cùng sẽ phải bắt nguồn từ những thủ tục đưa vốn vào nền kinh tế nhanh hơn.

 

Nhiều gợi mở để thoát lệ thuộc vào dòng vốn ngân hàng

Đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân là một trong những giải pháp trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Tại Hội thảo “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”, ông Nguyễn Quang Thuân,  Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Fiingroup, Chủ tịch HĐQT Công ty xếp hạng đánh giá tín nhiệm FiinRatings nhận định vấn đề lớn nhất, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân, từ các dự án lớn hàng chục, vài chục triệu USD, vẫn là vấn đề vốn. Và việc đa dạng hóa nguồn vốn, giảm sự phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng là cần thiết để xây dựng một thị trường vốn bền vững, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Thuân nhận định vốn là vấn đề lớn nhất của nhiều doanh nghiệp.  

Ở góc độ là đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Thuân chia sẻ một số góc nhìn để góp phần triển khai các giải pháp trong Nghị quyết 68.

Thứ nhất là xây dựng sản phẩm tài chính – vốn mới ngoài ngân hàng, bởi nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào dòng vốn từ ngân hàng.

Hai là, phải phát triển các nhà đầu tư tổ chức. Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, bất động sản hay các quỹ…, nhà đầu tư tổ chức vẫn rất yếu. Trong khi đó, đây là điểm mấu chốt để khai thông dòng vốn dài hạn cho khu vực tư nhân. Nếu không có vốn dài hạn, thì doanh nghiệp đi huy động rất khó.

Thứ ba, minh bạch là yêu cầu tất yếu trên thị trường vốn.

Thứ tư, phải phát triển các mô hình mới, mà cụ thể ở đây là mô hình cho doanh nghiệp bảo hiểm làm quản trị tín dụng như Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đây đề cập, theo ông Thuân. Tuy nhiên, hiện chưa có Nghị định hay Thông tư hướng dẫn đi kèm để triển khai cụ thể điểm này. “Khách hàng của chúng tôi rất nhiều bên đang loay hoay tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Nếu muốn vậy thì phải đa dạng hóa sản phẩm. Đây là hướng đi rất cụ thể. Không cần sửa Luật, chỉ cần Nghị định, Thông tư hướng dẫn là được”, ông Thuân nói thêm.

Một giải pháp cần thiết khác để doanh nghiệp thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, theo ông Thuân, là việc đẩy mạnh mô hình chấm điểm tín dụng độc lập thay vì chỉ dựa vào CIC hay bản thân các ngân hàng thương mại.

Về dài hạn, một vấn đề khác mà ông Thuân đề cập là việc cần nâng hạng tín nhiệm quốc gia, bởi hiện Việt Nam vẫn được xếp ở mức đầu cơ – BB+. Điều này khiến Chính phủ và ngay cả doanh nghiệp lớn đi vay dài hạn cũng khó, phải chịu lãi suất vay cao. Vị chuyên gia đề xuất trong tương lai, với các dự án hạ tầng lớn, thay vì vay vốn nước ngoài, Việt Nam có thể tính đến phương án khả thi hơn là mô hình chính quyền địa phương phát hành trái phiếu. Bởi khó có doanh nghiệp lớn nào ở Việt Nam có thể ra nước ngoài vay 20 – 30 năm mà không có bảo lãnh Chính phủ, chưa nói đến 50 năm.

Liên quan đến việc đẩy mạnh tín dụng xanh và tài chính xanh như tinh thần trong Nghị quyết 68, vị chuyên gia nhìn nhận chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho tín dụng xanh sẽ không có tính lan tỏa và thiếu bền vững. Bởi cuối cùng, mức lãi suất vẫn phụ thuộc vào rủi ro của dự án, của doanh nghiệp.

Giải pháp hiệu quả hơn, theo ông Thuân là tín dụng xanh hay trái phiếu xanh cần được ưu đãi về chỉ số an toàn. Ví dụ, vì tín dụng xanh thường là các khoản tín dụng dài hạn, có thể cho hệ số rủi ro thấp hơn, hoặc loại khỏi các hạn chế về việc dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Hoặc như cách làm của Trung Quốc: nếu trái phiếu được dán nhãn xanh thì được repo (cầm cố) và xếp hạng tín nhiệm từ mức AA trở lên. Hiện nay ở Việt Nam, chỉ có trái phiếu ngân hàng mới được repo.

“Các giải pháp mang tính thị trường sẽ hiệu quả hơn chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, vì “xanh” không làm một doanh nghiệp khỏe hơn”, ông Thuân nhìn nhận.

Rút ngắn thủ tục, đưa vốn nhanh hơn vào nền kinh tế

Trong khi bàn đến việc đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp, một vấn đề cấp thiết không kém để phát triển doanh nghiệp tư nhân là làm thế nào để rút ngắn thủ tục, từ đó đưa vốn vào nền kinh tế nhanh nhất. 

Chia sẻ từ góc nhìn quy trình đầu tư dự án có sử dụng đất, ông Đậu Anh Tuấn, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp đang rất muốn đầu tư, nhà đầu tư cũng muốn nhưng quy trình thủ tục lâu quá. Chính vì thế, ngay sau khi có Nghị quyết 66 và 68, VCCI tiến hành rà soát các vướng mắc.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, để một doanh nghiệp đầu tư vào những dự án sử dụng đất thì phải từ quy hoạch chung, phân khu, đến chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đất đai, cho thuê đất … Nếu mô hình hoá thì rất là phức tạp, liên quan đến ít nhất 15 thủ tục kèm theo rất nhiều thủ tục nhỏ với những quy trình phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đến chính quyền nhiều cấp khác nhau,...

 Ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng sau Nghị quyết 68 sẽ có những hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn, đột phá hơn từ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan để đưa vốn chảy nhanh chóng vào nền kinh tế thông qua những thủ tục thông thoáng hơn. 

“Nếu quan sát tổng thể thủ tục hành chính, có thể thấy hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quy trình đầu tư dự án có sử dụng đất quá phức tạp, liên quan đến 12 luật và hơn 20.000 thông tư. Mặc dù tín hiệu tích cực là gần đây số lượng nghị định, thông tư có giảm so với trước, nhưng mức độ phức tạp cơ bản chưa được cải thiện nhiều; tác động trực tiếp tới sự ổn định, và tăng tính rủi ro đối với dự án đầu tư.

Và đặc biệt là đối với dự án đầu tư hiện nay, rủi ro với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân là không xác định chính xác được khi nào hoàn thành, có thể 1 năm, 2 năm, 3 năm, cũng có thể vượt 10 năm, thậm chí hơn. Điều này tạo rủi ro rất lớn cho kế hoạch kinh doanh, bởi tình hình thị trường luôn thay đổi, tháng này khác, tháng sau khác, năm này khác, năm sau rất khác. Nếu quy trình thủ tục không xác định khi nào hoàn thành sẽ tạo lực cản lớn cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Theo khảo sát hàng năm của VCCI trên 14.000 doanh nghiệp từ khắp 63 tỉnh thành, nhóm thủ tục quy trình đầu tư đất đai là nhóm được accs doanh nghiệp phản hồi rất khó: 74% doanh nghiệp thừa nhận gặp khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, 67% doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết dài hơn so với quy định.

Theo vị chuyên gia, điều các doanh nghiệp cần là cải cách quy trình, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn, dễ dàng hoạt động và cách thức quản lý thông minh hơn. Chẳng hạn gần đây, có nhiều quan điểm về thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư có cần thiết hay không? Bởi suy cho cùng khi đánh giá chấp thuận đầu tư giai đoạn đầu lại phải dựa vào những tiêu chí về đất đai, thủ tục, môi trường, nhóm thủ tục phải thực hiện đến hai lần.

Một giải pháp khả thi mà ông Tuấn đề xuất là việc thực hiện phân cấp phân quyền triệt để, bởi hiện nay rất nhiều thủ tục mặc dù cơ quan xử lý là cấp tỉnh nhưng vẫn phải ra trực tiếp cấp bộ ngành. Hay năng lực thực thi tại địa phương cũng rất khác nhau, thực hiện địa phương này kiểu này nhưng sang địa phương lại khác hẳn, tạo rủi ro không thống nhất.

Nhận định tinh thần Nghị quyết 68 là bước đột phá quan trọng, ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng vào những hành động cụ thể Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần phải mạnh mẽ hơn, đột phá hơn để đưa vốn chảy nhanh chóng vào nền kinh tế thông qua những thủ tục thông thoáng hơn.

“Suy cho cùng, mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm nay, hay tăng trưởng hai con số trong năm sau, cũng như kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, cũng sẽ bắt nguồn từ những thủ tục đưa vốn vào nền kinh tế nhanh hơn”, vị chuyên gia nói thêm.