Thí điểm dịch vụ Mobile-Money trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn 2 năm
Bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1, cho phép người dùng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ trên điện thoại mà không cần sử dụng đến tiền mặt.
Tiền trong tài khoản Mobile Money gắn với SIM nhưng phải tách biệt với tài khoản viễn thông, bởi tài khoản viễn thông thực tế còn có thêm khoản khuyến mại, nếu cho phép sử dụng để thanh toán sẽ không đảm bảo nguyên tắc chuyển đổi tỷ lệ 1:1.
Những điều bạn nên biết về công cụ thanh toán Mobile-Money
Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản Mobile Money gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hoá hợp pháp tại Việt Nam. Khi khách hàng nạp tiền mặt sẽ nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương.
Theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 09/03/2021 phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc triển khai thí điểm Mobile Money sẽ áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.
Khác với các ví điện tử và Mobile Payment, khi dùng dịch vụ Mobile Money khách hàng có thể không cần thông qua tài khoản ngân hàng để nạp tiền, sử dụng.
Như vậy, với dịch vụ thanh toán điện tử dùng·tài khoản viễn thông - Mobile Money, người dùng chỉ cần tài khoản di động là có thể sử dụng trả tiền ngay cho mọi dịch vụ giá trị nhỏ một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Việc Mobile Money có thể hoạt động mà không cần tài khoản ngân hàng sẽ giúp cho dịch vụ này có thể tiếp cận được một lượng lớn người dùng trên cả nước, đặc biệt những người lớn tuổi hoặc những người ở khu vực nông thôn, hẻo lánh, khi mà việc mở tài khoản ngân hàng đối với những người này gặp nhiều khó khăn.
Mobile Money có thể sử dụng dễ dàng cho các giao dịch hàng ngày với quy mô nhỏ, khách hàng có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị di động được kết nối Internet mà không phải chuyển tiền, tiền mặt hoặc quẹt thẻ.
Tài khoản Mobile Money cũng sẽ được bảo vệ một cách an toàn, với danh tính của người dùng đã được xác nhận (thông qua quá trình xác nhận số thuê bao di động), giúp tránh tình trạng lừa đảo hoặc chiếm đoạt một cách bất hợp pháp.
Mobile Money sẽ giúp người dân nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội.
Khi thực hiện thí điểm, hạn mức giao dịch sử dụng Mobile Money sẽ là không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng các giao dịch: Rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Các đơn vị cung cấp Mobile Money
Chính phủ quy định doanh nghiệp thí điểm phải đồng thời có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con của các công ty có giấy phép trên. Như vậy, hiện có 3 nhà mạng đủ điều kiện xin phép tham gia thí điểm ngay là Viettel, VNPT và Mobifone. Trong đó, Mobifone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ngày 09/03 và Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công dịch vụ Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép.
Khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money phải cung cấp Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD)/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động.
Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Người dùng có thể nạp, rút tiền vào tài khoản Mobile Money bằng các phương thức truyền thống như qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Ngoài ra, dịch vụ này còn cho phép người dùng nạp, rút tiền trực tiếp tại các điểm giao dịch của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Số lượng điểm giao dịch khổng lồ của các nhà mạng (cũng là những đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money) sẽ giúp dịch vụ này phổ biến rộng khắp một cách nhanh chóng. Khi đó, việc nạp và rút tiền từ tài khoản Mobile Money cũng sẽ thuận tiện như cách người dân mua thẻ cào và nạp tiền vào tài khoản viễn thông.
Các doanh nghiệp đã sẵn sàng nhập cuộc đối với dịch vụ Mobile Money
Tại Phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 2/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ tiến hành thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile-Money) trong vòng hai năm.
Theo ông, thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm Mobile-Money, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai, gồm: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 bộ nữa là Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an, vì đây là vấn đề đòi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định.
“Về cơ bản, chúng tôi cũng đã thống nhất và hy vọng trong tháng Mười 3 Bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện sẽ quyết định cấp phép để các đơn vị triển khai dịch vụ,” Phó Thống đốc cho hay.
Ông giải thích việc 3 Bộ cùng tham gia quản lý Mobile Money bởi đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như hệ thống thanh toán.
Hơn nữa, đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), thuận tiện nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng.
“Đối với việc triển khai thí điểm, lúc đầu dự định triển khai tại một số địa phương nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này,” Phó Thống đốc nói./.