Bị Hà Nội từ chối, Cục Hàng không lần 2 xin ý kiến mở lại đường bay nội địa

07:30 | 03/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi công văn đến UBND TP. Hà Nội xin ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa. Đây là lần thứ 2 Cục này xin ý kiến Hà Nội về việc mở lại đường bay.

Theo đó, trong công văn gửi UBND TP. Hà Nội do Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường ký nêu rõ: “Sau khi trao đổi với Sở GTVT TP. Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam gửi UBND. TP Hà Nội văn bản xin ý kiến địa phương kèm phụ lục kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1”, dự kiến áp dụng từ 5/10/2021 với các thông tin về đường bay, hãng khai thác, tần suất đi/đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài".

Sân bay Nội Bài. Ảnh internet.

Trước đó, vào ngày 1/10, Cục Hàng không vừa có văn bản khẩn gửi UBND các địa phương xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, dự kiến áp dụng từ 5/10.

Theo đó, Cục Hàng không đã tiếp thu kiến nghị của TP Hà Nội khi địa phương này báo cáo Thủ tướng kiến nghị dừng các hoạt động bay thương mại đi đến và không lấy ý kiến của Hà Nội. Tuy nhiên, trong dự thảo với các chặng bay từ các địa phương khác, Cục Hàng không vẫn đưa hành trình đến Hà Nội để chủ động xin ý kiến của các địa phương về việc nối đến chuyến với Hà Nội, tới khi Hà Nội sẵn sàng thì sẽ tăng tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bay.

Với các địa phương khác, Cục Hàng không đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.

Tổng các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, TP.HCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay.

Ngày 1/10, Cục Hàng không vừa có văn bản khẩn gửi UBND các địa phương xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ, dự kiến áp dụng từ 5/10.

Từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) đi và đến các địa phương khác là 23 chuyến bay khứ hồi/ngày, Hải Phòng là 20 chuyến khứ hồi/ngày, Thanh Hoá 6 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày, Cần Thơ 7 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày. Nghệ An 7 đường bay với 19 chuyến khứ hồi/ngày, Đắk Lắk 6 đường bay với 14 chuyên khứ hồi/ngày, Khánh Hòa khôi phục 6 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày.

Thừa Thiên - Huế khôi phục 3 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày, Kiên Giang 8 đường bay với 24 chuyến khứ hồi/ngày, Gia Lai 4 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày.

Phú Yên khôi phục 2 đường bay với 7 chuyến khứ hồi/ngày. Bình Định 3 đường bay với 5 chuyến khứ hồi/ngày. Quảng Nam 2 đường bay với 8 chuyến khứ hồi/ngày, Bà Rịa - Vũng Tàu 5 đường bay với 15 chuyến khứ hồi/ngày, Quảng Bình 2 đường bay với 6 chuyến khứ hồi/ngày. Riêng Quảng Ninh và Điện Biên đề nghị khôi phục 1 đường bay.

Vì sao Hà Nội "lắc đầu"?

Trước đó, trong văn bản Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn gửi Bộ GTVT nhận định: Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp; dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn rất cao.

Để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho thủ đô, UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài; chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.

Với trường hợp phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, vận chuyển hàng hóa hoặc tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội bằng máy bay, tàu hỏa, UBND TP.Hà Nội đề nghị thực hiện khi có sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi tới các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet, Pacific Airlines,... về việc dừng mở bán vé máy bay trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác quý 3/2021 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 29/9, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết thời gian qua, hàng không chủ yếu vận chuyển lực lượng chống dịch, khách công vụ và vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Thắng, việc điều hành bay quá cảnh tăng cho thấy, hoạt động vận tải hàng không của các nước đã hồi phục và tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, theo ông Thắng, vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch bay nội địa trở lại nằm ở phía các địa phương, đặc biệt là Hà Nội.

 

Trả lời VTC News, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, tại kỳ họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo từ ngày 1/10 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách, thích ứng linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, theo ông Hòa, nếu mỗi địa phương áp dụng một quy định riêng thì việc mở cửa lại kinh tế sẽ khó đạt được hiệu quả.

“Theo tôi, dừng bay thương mại quốc tế thì được, còn dừng bay nội địa thì phải xem xét lại vì các chuyến bay nội địa đã có quy định cụ thể để kiểm tra hành khách ngay tại sân bay”, ông Hòa nói.

Ông Hoà nhấn mạnh thêm, kế hoạch mở cửa, phát triển kinh tế giữa các địa phương nếu vướng mắc bởi những quy định riêng rẽ thì có thể trở nên vô nghĩa.