Thí điểm thị trường tín chỉ carbon: Nước đã đến chân

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã manh nha từ khoảng 2017, chủ yếu là các nhà đầu tư ngoại đến ‘đặt chỗ’. Tuy vậy, giá bán tín chỉ carbon ở các dự án trong nước vẫn tương đối thấp, một phần vì chủ yếu giao dịch trên thị trường tự nguyện, chưa chủ động tìm người mua và đàm phán giá, phần khác do ít dự án chất lượng. Thực tế trên thị trường thế giới, giá mỗi tín chỉ carbon có thể dao động từ 1-2 USD lên đến 40-50 USD, cá biệt có thể tới gần 200 USD phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Với cam kết Net Zero đầy tham vọng của các Chính phủ cùng với xu hướng giảm phát thải của những doanh nghiệp lớn, việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon gần như trở thành câu chuyện ‘bắt buộc’. Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 06/2022 về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone đã đưa ra lộ trình phát triển thị trường carbon; theo đó Việt Nam dự kiến sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon với hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải từ năm 2025, tiến tới chính thức vận hành vào 2028.
Nước đã đến chân
Về bản chất, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) sẽ cho phép những tổ chức, doanh nghiệp…, các bên có phát thải thấp hơn hạn ngạch chuyển nhượng cho phần hạn ngạch (hay các tín chỉ carbon) cho các bên phát thải cao hơn, từ đó thiết lập mức giá thị trường. Cơ quan quản lý sẽ là đơn vị đặt và phân bổ hạn ngạch - tức mức phát thải tối đa được phép của doanh nghiệp, cũng như các cơ chế giao dịch kèm theo như trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; các hoạt động chuyển nhượng, đấu giá, vay mượn hay nộp trả hạn ngạch phát thải. Do vậy, việc đưa hệ thống ETS đi vào vận hành sẽ giúp doanh nghiệp làm rõ những vấn đề hiện vẫn còn mơ hồ như ‘Tôi được xả thải bao nhiêu’, hay ‘Tôi có thể mua/ bán tín chỉ carbon với mức giá nào’.
“Mặc dù Việt Nam có tiềm năng cung cấp tín chỉ carbon, nhu cầu đối với sản phẩm này chỉ được khơi thông khi Việt Nam hoàn thành cơ chế trao đổi, bù trừ hạn ngạch thông qua tín chỉ carbon và yêu cầu các giao dịch mua bán, trao đổi bù trừ phải thực hiện thông qua sàn giao dịch carbon trong nước”
Theo Viện nghiên cứu và đào tạo BIDV.
Mục tiêu dài hạn của ETS là hướng doanh nghiệp đến việc tăng đầu tư vào công nghệ sản xuất có khả năng giảm phát thải; do đó việc đặt và phân bổ hạn ngạch phải được tính toán hợp lý. Nếu đưa ra hạn ngạch phát thải quá cao, tương ứng yêu cầu giảm thải thấp thì ảnh hưởng đến lộ trình Net Zero, còn nếu đưa ra hạn ngạch phát thải quá thấp thì có nguy cơ tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, hệ thống ETS dự kiến sẽ được vận hành thí điểm từ tháng 6/2025. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn thí điểm ETS, ước tính sẽ có khoảng 150 doanh nghiệp là các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực: sản xuất sắt, thép, xi măng, nhiệt điện… được đưa vào thị trường carbon. Hạn ngạch sẽ được phân bổ 100% miễn phí trong giai đoạn này. Tỷ lệ tối đa tín chỉ carbon được sử dụng để bù trừ cho hạn ngạch là 20%.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, việc phát triển hệ thống ETS có thể tóm gọn trong 3 bước: hạch toán, kiểm toán và giao dịch.
Thứ nhất là hạch toán, tức là việc kiểm kê phát thải khí nhà kính trong doanh nghiệp. Kết quả kiểm kê này sau đó phải được kiểm toán bởi những tổ chức kiểm toán tín chỉ carbon được cấp phép, đảm bảo đáp ứng những tiêu chuẩn chung và được quốc tế công nhận, tiến tới giao dịch trên thị trường tín chỉ. Sau hạch toán và kiểm toán, doanh nghiệp có thể so sánh với hạn ngạch của cơ quan quản lý để biết họ có đang phát thải vượt mức quy định hay không. Nếu vượt, doanh nghiệp có thể trung hòa thông qua mua lại hạn ngạch của các bên phát thải thấp hơn và còn dư hạn ngạch, hoặc mua tín chỉ carbon. Nếu không vượt hoặc có đóng góp làm giảm phát thải, doanh nghiệp có thể dùng kết quả đã kiểm toán để phát hành tín chỉ, bán lại trên thị trường tín chỉ carbon.
Trên thực tế, việc kiểm kê phát thải chuẩn bị cho vận hành thí điểm hệ thống ETS đã trở thành một quy định với các công ty niêm yết. Tháng 8/2023, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã công bố Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính; trong đó giới thiệu và hướng dẫn quy trình kiểm kê và báo cáo khí nhà kính ở cấp độ tổ chức một cách ngắn gọn như việc xác định phạm vi và ranh giới phát thải, xác định năm cơ sở, xác định các nguồn phát thải, định lượng và báo cáo về phát thải khí nhà kính… Quyết định 13/2024 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ những lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải… trong đó bao gồm 2.166 cơ sở phải thực hiện kiểm kê.

Chuyện sát ‘túi tiền’
Với những quy định và hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp trong nước đã khởi động những bước đi đầu tiên. Theo khảo sát của PwC năm 2024, khoảng 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. Một khảo sát do Ban Kinh tế tư nhân thực hiện cũng cho thấy 48,7% doanh nghiệp cho rằng giảm phát thải và chuyển đổi xanh là xu hướng thiết yếu.
Tại Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết tháng 11/2024, đại diện ban giám khảo Hội đồng bình chọn hạng mục Phát triển bền vững nhận định số lượng công ty niêm yết lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt đã tăng mạnh trong năm qua lên 33 công ty. Tuy nhiên, vị này cũng cho hay các thông tin công bố trong báo cáo phần lớn là định tính, phần định lượng chưa nhiều và cũng chưa theo quy chuẩn. ‘Báo cáo vẫn còn thiếu thông tin liên quan đến môi trường, năng lượng, chất thải… đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính, dù đã có quy định cụ thể với doanh nghiệp niêm yết’.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ‘bỏ quên’ phần kiểm kê phát thải khí nhà kính không chỉ từ yếu tố chủ quan. Thực tế, ngay cả với doanh nghiệp ở những quốc gia phát triển, việc kiểm kê phát thải vẫn là thách thức lớn. Kết quả khảo sát hồi tháng 3/2024 của Tổ chức Sáng kiến mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (SBTi) cho thấy 54% đại diện doanh nghiệp được hỏi nhận định những khó khăn trong việc xác định lượng phát thải là rào cản lớn cho việc đặt ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, từ góc độ kỹ thuật, đến nay các phương pháp kiểm kê carbon vẫn có những sự ‘khập khiễng’ nhất định do những hạn chế trong thu thập dữ liệu - đặc biệt là với các phương pháp thu thập thủ công, hoặc có hiện tượng bỏ sót hoạt động gây phát thải trong chuỗi giá trị… Cùng đó là sự thiếu hụt nhân lực kiểm kê phát thải có trình độ và kinh nghiệm, trong khi sự phát triển của hoạt động kiểm toán tín chỉ carbon tại Việt Nam còn mờ nhạt. Và quan trọng nữa là vấn đề chi phí. “Trên thế giới, một gói dịch vụ tính toán lượng phát thải khí nhà kính outsource có thể tiêu tốn của các doanh nghiệp hàng chục nghìn USD”, ông Nghĩa cho hay.
Xa hơn câu chuyện kiểm kê là câu chuyện định giá. Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của Công ty kiểm toán và tư PwC Việt Nam, việc định giá tín chỉ carbon là một câu chuyện rất phức tạp, ngay cả trên thị trường quốc tế. Muốn “dư thừa” hạn ngạch phát thải để đem bán tín chỉ carbon trên thị trường, doanh nghiệp không chỉ phải đầu tư vào công nghệ mà còn phải tính toán xem liệu đầu tư xong thì có thể bán được tín chỉ carbon đó hay không và bán với giá mong muốn bao nhiêu, có phù hợp với nhu cầu thị trường hay không.
Nhìn chung, đại diện PwC khẳng định việc vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon là đặc biệt quan trọng. Chỉ khi có thị trường, các doanh nghiệp mới có thể xác lập được kế hoạch đầu tư trong tương lai, thậm chí tính toán được phần doanh thu có thể có từ việc bán tín chỉ carbon. Qua đó, thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ theo hướng bền vững.
‘Deadline’ tháng 6/2025 để thí điểm hệ thống ETS đã ở ngay trước mắt, khó có thể chần chờ thêm. Rất nhanh, mỗi chủ thể trong nền kinh tế đều sẽ nhận thấy những cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng không phải là phát ngôn thành tích, mà là câu chuyện sát sườn sẽ tác động trực tiếp đến ‘túi tiền’ doanh nghiệp - trước hết là doanh nghiệp xuất khẩu, khi mà ngày càng nhiều hoạt động xuất khẩu bị làm khó về chuẩn mực môi trường.
*Trích Đặc san Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam số Xuân Ất Tỵ