Sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia: Cần đảm bảo hài hoà lợi ích quốc gia, doanh nghiệp

Trang Mai 15:05 | 09/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tín chỉ carbon (tín chỉ CO2) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương. Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Ngày 8/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính.

Theo Phó Thủ tướng, thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu, nhưng đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.

"Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia", Phó Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, nhiều nước đã lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, Việt Nam cần thực hiện mô hình này. Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam có hai loại gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Các đơn vị tham gia giao dịch gồm doanh nghiệp phát thải thuộc diện kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện dự án tạo tín chỉ carbon; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon; tổ chức hỗ trợ giao dịch.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước khi luôn coi biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất và cần tiếp cận toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển sang mô hình phát triển phù hợp trong tương lai.

Tín chỉ carbon (tín chỉ CO2) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương.

Phương thức mua bán được hiểu là một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì với 2 tấn quá hạn ngạch kia có thể mua tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn. Điều này được xác nhận bởi bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Việt Nam vừa chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về gần 1.250 tỷ đồng. Số tín chỉ carbon thu được từ rừng thuộc vùng Bắc Trung Bộ.