Thị trường ASEAN vẫn đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt
Kể từ khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam đã phát huy vai trò và tăng cường cơ hội để tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi hàng hóa của các nước trong khu vực đã tràn vào Việt Nam khá nhiều, nhất là hàng từ Thái Lan, nhưng đến thời điểm này, dường như các doanh nghiệp Việt vẫn còn quá thờ ơ và bỏ qua thị trường 630 triệu dân này.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Đương Kiên, Phó phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực - Vụ châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan 9 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Á nói chung đạt 96 tỷ USD, tăng 21% và chiếm tỉ trọng 53,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó xuất khẩu sang ASEAN đạt 18,3 tỷ USD tăng 10,2%; sang Hàn Quốc 13,45 tỷ USD tăng 26,1% và Ấn Độ là 5,18 tỷ USD tăng 886% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều này phản ánh một phần hiệu quả của các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và các nước châu Á khác như: AFTA, ATIGA, AJCEP, VKEPA… cũng như việc tăng cường liên tục các hoạt động xúc tiến thương mại sang các quốc gia khu vực châu Á, với trọng tâm là thị trường ASEAN của các cơ quan bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp
ASEAN được đánh giá là một thị trường rất thuận lợi và tiềm năng. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi thì hầu hết các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi theo hiệp định ATIGA khi thuế xuất các sản phẩm này về 0%. Bên cạnh đó chúng ta còn một thuận lợi nữa là văn hóa tiêu dùng của thị trường này khá tương đồng với Việt Nam.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN. Nguyên nhân do sản phẩm của doanh nghiệp có hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao... Doanh nghiệp chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước đạo Hồi; chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý cũng như văn hóa của các nước trong khu vực...
Do đó, theo ông Kiên, để gia nhập được thị trường ASEAN thì các doanh nghiệp Việt phải thật sự quan tâm và nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường này. Bởi nhiều doanh nghiệp hiện nay đang chỉ quan tâm các thị trường khác mà bỏ quên thị trường đầy tiềm năng ngay cạnh mình. Trong khi đó những yêu cầu về tiêu chuẩn tương đối phù hợp với doanh nghiệp Việt.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần phải chủ động tìm hiểu về thị trường. Dù đã trở thành một thị trường chung nhưng mỗi nước trong khối vẫn có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thị hiếu tiêu dùng. Vì thế, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu đất nước, con người, tập quán kinh doanh của từng thị trường riêng biệt. Đồng thời doanh nghiệp cần nỗ lực kết nối để xây dựng kênh phân phối riêng cũng như quan tâm nhiều hơn đến những hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, chiến lược kinh doanh cũng cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực...Vì thực tiễn cho thấy, sản phẩm của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị của toàn cầu, ông Kiên nhấn mạnh.
Còn theo đại diện công ty bánh kẹo tại thị trường Myanmar cho biết: Thị trường ASEAN là một thị trường tiềm năng, đặc biệt như ở một số nước như Myanmar, Thái Lan. Trong đó Myanmar đang là thị trường tiềm năng nhất, do lượng dân số khá lớn, tăng trưởng kinh tế và các nét văn hóa khá tương đồng với Việt Nam. Tuy nhiên để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp tham gia thị trường ASEAN nói chung và những trị trường như Myanmar riêng hay các nước khác trong ASEAN. Chính phủ nên có những cuộc xúc tiến thương mại thường xuyên với các cơ quan chức năng nước bạn để giảm thiểu những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đăng ký FBA hoặc một số các quy định liên quan. Chỉ khi có một chính sách ổn định lâu dài thì doanh nghiệp mới yên tâm tập trung vào sản xuất và xuất khẩu.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gỗ ép sang thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xuất nhập khẩu Việt An Khang nhận định: Thị trường ASEAN với lợi thế địa lý gần Việt Nam nên chi phí vận chuyển hàng hóa khá thấp. Bên cạnh đó, những yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật của các sản phẩm cho các thị trương này cũng không quá cao. Mặt khác, việc hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN đã được dỡ bỏ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi đó vẫn còn có nhiều khó khăn khi thị trường thế giới bây giờ là thị trương phẳng. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ với các doanh nghiệp tại thị trường bản địa mà từ các đối thủ toàn cầu, đặc biệt các nhà sản xuất từ Trung Quốc. Trước tình hinh đó, doanh nghiệpViệt cần nâng cao hơn nữa về chất lượng, phải chấp nhận tư duy ra biển lớn chứ không phải ở xưởng sản xuất nhỏ. Ngoài thay đổi về chất lượng sản phẩm còn cần thay đổi cả về cách thức làm ăn phân phối với nước bạn theo các chuẩn mực quốc đã quy định.