Thị trường chứng khoán sẽ thăng hoa trong kịch bản ‘Trump 2.0’?
Dự đoán kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử Mỹ là một hành động rủi ro hơn rất nhiều so với dự báo thị trường chứng khoán. Bây giờ, hãy cùng thử làm cả hai việc này, tức là dự đoán kết quả của các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sắp tới tại Mỹ , và tác động của chúng đối với nền kinh tế Mỹ nói chung và thị trường tài chính nói riêng.
Hãy cùng lên một kịch bản những gì có thể xảy ra trong vòng 4 năm tới nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng cho một nhiệm kỳ thứ hai. Khả năng này đang lớn dần sau màn thể hiện ấn tượng của ông Trump trước người đương nhiệm Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên mới đây.
Phản ứng ban đầu từ các thị trường khá nhạy cảm. Biến động đáng chú ý nhất diễn ra trên thị trường trái phiếu, nơi lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm lên 4,48%, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng chậm hơn, với mức tăng chỉ khoảng 0,1 điểm phần trăm. Như vậy, đường cong lãi suất hiện đang hơi ‘đảo ngược” một chút, và lưu ý rằng hiện tượng lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài tăng là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng dài hạn của nhà đầu tư về nền kinh tế có thể đã thay đổi. Dường như thị trường dần thích nghi với kịch bản “Trump 2.0” , với nền kinh tế mạnh mẽ hơn, lạm phát cao hơn và thâm hụt ngân sách liên bang lớn hơn.
Bởi vì trong trường hợp tái đắc cử, cựu Tổng thống Mỹ Trump có thể sẽ gia hạn và thậm chí tăng các khoản giảm trừ thuế mà ông đã thực hiện từ hồi năm 2017 và hết hiệu lực vào cuối năm 2025. Nhà đầu tư cũng lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế Mỹ bất chấp rủi ro căng thẳng thương mại với Trung Quốc tiếp tục leo thang hơn nữa dưới thời ông Trump. Vị cựu Tổng thống Mỹ từng đề xuất tăng thuế quan lên 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (và 10% đối với tất cả các hàng nhập khẩu khác của Mỹ).
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng các chính sách như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy kinh tế và tài chính bất lợi. Tuy nhiên, GDP thực tế của Mỹ từ quý IV/2016 đến quý IV/2019 đã tăng 8,5%, đạt mức kỷ lục ngay trước khi đại dịch bùng phát. Trong cùng giai đoạn này, lạm phát giá tiêu dùng duy trì ở mức xung quanh 2%. Lợi suất của Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm bắt đầu và kết thúc giai đoạn trước đại dịch này ở mức xung quanh 2%. Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 50% từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2019.
Liệu một thời kỳ như vậy có thể tái diễn trong nhiệm kỳ Trump 2.0? Chắc chắn là có thể. Những chính sách được Nhà Trắng thực hiện có thể dẫn đến nhiều tác động quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường tài chính.
Những chính sách này thường được điều chỉnh trong quá trình được ban hành thành luật bởi Quốc hội. Do vậy, trong kịch bản mà Đảng Cộng hòa giành chiến thắng ở Nhà Trắng và cả hai viện của Quốc hội (Hạ viện và Thượng viện), chính sách của ông Trump sẽ ít có khả năng bị pha loãng bởi quá trình ban hành.
Tuy nhiên hiện tại, khả năng này khó có thể dự đoán được do những yếu tố không chắc chắn trong chính trị, đặc biệt là nếu các nhà tài trợ hàng đầu của Đảng Dân chủ chuyển hướng dòng tiền để ưu tiên giành chiến thắng trong cuộc đua bầu cử Quốc hội thay vì cuộc đua vào Nhà Trắng sau màn tranh luận “thảm họa” của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Dù vậy, lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ không chỉ được thúc đẩy bởi chính sách của Washington. Nền kinh tế lớn nhất hành tinh ngày càng chịu ảnh hưởng lớn từ sự thúc đẩy của tiến bộ công nghệ và công nghiệp với tinh thần khởi nghiệp xuất sắc. Hơn một nửa chi tiêu vốn được đổ vào công nghệ. Chi tiêu của doanh nghiệp đổ vào hoạt động nghiên cứu phát triển ở mức cao kỷ lục. Thị trường vốn Mỹ cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho các công ty mới và các sáng kiến khởi nghiệp.
Và thực tế, nền kinh tế Mỹ đang dần trở nên ít nhạy cảm với lãi suất. Năm 2023, dấu hiệu phục hồi tăng trưởng năng suất đã được ghi nhận bất chấp nền lãi suất tăng cao và Fed bày tỏ lập trường cứng rắn về khả năng không sớm cắt giảm lãi suất. Xu hướng tăng trưởng năng suất có lẽ sẽ tiếp tục trong suốt đầu thập kỷ này. Đây là những phát triển tích cực cho lợi nhuận doanh nghiệp, mà sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán lên mức cao mới trong phần còn lại của thập kỷ.
Thực tế, Washington có thể can thiệp ít hơn vào nền kinh tế Mỹ trong những năm tới, đặc biệt trong kịch bản ông Trump - người có xu hướng ủng hộ việc Chính phủ giảm các quy định đối với doanh nghiệp - tái đắc cử. Ông sẽ tự do hơn trong việc theo đuổi hướng đi này sau khi Tòa án Tối cao đã giảm bớt đáng kể quyền lực của các cơ quan liên bang trong việc diễn giải các luật mơ hồ được Quốc hội thông qua. Ông Trump chắc chắn sẽ bổ nhiệm các thẩm phán và cán bộ cấp cao của các cơ quan để hạn chế hoặc thu hẹp "nhà nước hành chính". Ông cũng chắc chắn sẽ tạo điều kiện việc tăng sản lượng dầu khí của Mỹ, giúp kiềm chế lạm phát.
Lịch sử đã chỉ ra rằng theo thời gian, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vận hành tốt bất kể kịch bản ai là người điều hành Nhà Trắng. Nhưng điều này không có nghĩa là ‘Trump 2.0’ sẽ không có rủi ro. Hai rủi ro lớn dưới thời chính quyền ông Trump sẽ là: (1) cuộc chiến thương mại làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và làm gia tăng lạm phát và (2) thâm hụt liên bang ngày càng tăng gây ra khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát và cân bằng chính trị của Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động để hạn chế việc theo đuổi các chính sách cực đoan của bất kỳ vị Tổng thống nào đương nhiệm.
Bài viết của nhà đầu tư chiến lược EDWARD YARDENI, Chủ tịch đồng thời là chiến lược gia đầu tư trưởng tại Yardeni Research, đăng trên tờ Financial Times