Thị trường tài chính phản ứng ra sao khi 'gió đổi chiều' có lợi cho ông Trump?
Mặc dù màn tranh luận ngày 27/6 giữa Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có thể chưa đủ để tạo nên một bước ngoặt then chốt, nhưng màn thể hiện lúng túng của ông Biden đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về cục diện cuộc đua.
Trong các cuộc thăm dò ý kiến và dự đoán của thị trường, ông Trump đang vươn lên dẫn trước, gia tăng cách biệt với ông Biden. Thậm chí còn có lo ngại rằng ông Biden có thể không đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Điều này khiến các nhà đầu tư băn khoăn về tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán nếu ông Trump có nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai tại Nhà Trắng.
"Khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump tăng vào đầu tuần trước, mọi người bắt đầu lo ngại rằng chiến thắng của vị cựu Tổng thống có thể dẫn đến sự nhích lên của lạm phát trung và dài hạn cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại," ông Mark Malek, Giám đốc đầu tư tại Siebert AdvisorNXT nhận định. "Đây là lý do khiến đường cong lợi suất dốc lên và trái phiếu dài hạn chịu áp lực."
"Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình vì hiện tại chưa có xu hướng rõ ràng nào," ông nói thêm. "Tuy nhiên, thị trường đang bắt đầu tìm hiểu về khả năng này."
Thị trường chứng khoán cho đến nay vẫn tỏ ra khá ôn hòa: Chỉ số S&P 500 tiếp tục lập đỉnh mới, tăng khoảng 1,5% kể từ sau cuộc tranh luận.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu lại phản ứng mạnh hơn. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dần và mức chênh lệch so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm nới rộng.
Hiện tượng này gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, và thường được coi là dấu hiệu báo trước suy thoái khá chính xác trong những lần nó xuất hiện trước đây. Lần này, sự đảo ngược hiện tại đã bắt đầu từ tháng 7/2022 và chưa có suy thoái chính thức nào xảy ra kể từ đó. Tuy vậy, sự chênh lệch lợi suất đã gia tăng trong những ngày qua sau khi chiến dịch tranh cử của ông Trump có dấu hiệu cải thiện trong các cuộc thăm dò sau tranh luận. Điều này cho thấy lo ngại về triển vọng kinh tế đang tăng lên.
Ông Michael Hartnett, Giám đốc chiến lược đầu tư của Bank of America chỉ ra rằng một số lĩnh vực sẽ hưởng lợi nếu ông Trump tái đắc cử bao gồm ngân hàng, công nghệ. Cùng đó, các trader chuyên giao dịch các chỉ số đo lường mức độ biến động của giá tài sản cũng có thể được hưởng lợi. Ngược lại, trái phiếu dài hạn, các lĩnh vực như xây dựng nhà ở, năng lượng tái tạo và các đồng tiền mới nổi có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Hartnett cũng lưu ý rằng khả năng Đảng Cộng hòa do ông Trump lãnh đạo giành chiến thắng trong cả hai viện Quốc hội đã tăng lên 36%.
Tuy nhiên, dự đoán xu hướng thị trường là điều không dễ dàng. Nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump và một số hùng biện trong chiến dịch vận động tranh cử của ông vẫn khiến nhiều người băn khoăn về những gì có thể xảy ra trong tương lai.
"Việc gia hạn cắt giảm thuế năm 2017 và chương trình nghị sự giảm thiểu quy định tiềm năng của ông Trump đang được thị trường cân nhắc," ông Ed Mills, nhà phân tích chính sách Washington tại Raymond James, cho biết. "Điều này đặc biệt có lợi cho lĩnh vực tài chính và có thể dẫn đến nhiều vụ mua bán sáp nhập hơn trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump. Khả năng áp dụng các chính sách dẫn đến lạm phát tăng lên cũng cần được theo dõi chặt chẽ."
Ở nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, lạm phát là một vấn đề lớn khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng hơn 19%, so với mức khoảng 8% dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Theo trang web dự đoán PredictIt, khả năng chiến thắng của ông Trump hiện ở mức 59%.