Thị trường khó, một doanh nghiệp dệt may báo lãi giảm gần 50% trong quý II/2023

Thùy Dương 10:51 | 20/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 19/7, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều đi lùi trong bối cảnh khó khăn chung toàn ngành dệt may.

Theo đó, công ty ghi nhận 407,3 tỷ đồng doanh thu thuần quý II, giảm 23% so với cùng kỳ (svck). Lãi gộp giảm từ hơn 105 tỷ xuống còn hơn 60,2 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong quý giảm từ 19,9% xuống 14,8%. 

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính báo lỗ hơn 6,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 5,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đã được tiết giảm từ 4,8 tỷ đồng xuống 3,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13,8% lên 16,5 tỷ đồng.

Kết quả, STK ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 36 tỷ và hơn 37,5 tỷ đồng; giảm 52,7% và 47,9% cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết, trong quý II/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ là do khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ những vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế của Công ty.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, STK ghi nhận doanh thu đạt gần 695,2 tỷ đồng, giảm 40,6% svck năm ngoái. Lãi ròng đạt hơn 39,1 tỷ đồng, giảm 73,5%.

Năm 2023, STK đặt mục tiêu doanh thu 2.149,3 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến đạt 253,1 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 32,3% kế hoạch doanh thu và 15,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của STK đạt 2.284 tỷ đồng, tăng 7,5% so với hồi đầu năm, chủ yếu là tài sản cố định với 687,6 tỷ, chiếm gần 30% tổng tài sản); hàng tồn kho (503,6 tỷ, chiếm 22%); các khoản phải thu ngắn hạn (459,8 tỷ, chiếm 20%); tiền và các khoản tương đương tiền (228 tỷ, chiếm 10%) và còn lại đến từ các khoản mục khác.

 

Chiều ngày 19/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chính thức có thông báo về tình hình ngành dệt may Việt Nam nửa đầu năm. 

Theo đó, 6 tháng đầu năm, ngành dệt may chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (trong khi đó cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 8,8 tỷ USD).

Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%; EU giảm 6,2%; Nhật Bản tăng 6,6%; Hàn Quốc giảm 2%; Canada giảm 10,9%... "Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực "xanh hóa" ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU và luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1.1 năm nay)", đại diện Vitas cho biết.