Thêm trợ lực giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính, khôi phục sản xuất
Theo thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2023, ngành bảo hiểm đã tái đầu tư khoảng 757.000 tỷ đồng vào nền kinh tế, từ đó góp phần cung cấp vốn cho các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, bảo hiểm không chỉ là công cụ tài chính mà còn là cầu nối giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Vừa qua, sự tàn khốc do cơn bão số 3 (bão Yagi) để lại, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Trong những lúc khó khăn nhất, ngành bảo hiểm đã nỗ lực thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ trong quá trình hỗ trợ khách hàng, người dân khắc phục, tái thiết cuộc sống.
Ông Phạm Văn Đức Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Ngay sau khi bão tan, Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức rà soát thiệt hại, thực hiện tạm ứng, giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ theo cam kết bảo hiểm.
“Việc tham gia bảo hiểm rất quan trọng cho tổ chức, cá nhân khi có tổn thất, phần nào giúp giảm bớt gánh nặng tài chính để khôi phục lại hoạt động, sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Văn Đức chia sẻ.
Mặc dù có góp phần phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp, chỉ khoảng 2% GDP, so với mức trung bình 4% của châu Á và 9% của thế giới. Tổng vốn chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong năm 2023 là khoảng 190.000 tỷ đồng; trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 39.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy ngành bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ.
Lấy ví dụ cụ thể, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Tỷ lệ bảo hiểm đối với thiệt hại do bão Yagi chỉ chiếm khoảng 17%. “Điều này cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến cho ngành bảo hiểm vẫn chưa phát triển tương xứng là do vẫn có tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết vai trò của bảo hiểm, một phần vì truyền thông làm chưa thực sự tốt. Mặt khác là bởi hiệu ứng không tích cực khi có một số vụ tranh chấp về bảo hiểm, khiến người dân có định kiến.
Để ngành bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để người dân và doanh nghiệp yên tâm tham gia bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và lợi ích của bảo hiểm.
Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, hiện tại vẫn tồn tại nhiều rào cản về nhận thức và tâm lý của người tiêu dùng, bảo hiểm là một loại hình dịch vụ phức tạp, khó hiểu và có chi phí cao dẫn đến việc e ngại tham gia. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ, đơn giản hóa quy trình tham gia và bồi thường để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào ngành bảo hiểm cũng là một xu hướng cần thiết như đầu tư vào các nền tảng số để cung cấp dịch vụ nhanh chóng và tiện lợi hơn.