Thị trường sản phẩm Halal - cơ hội cho các doanh nghiệp Việt

10:20 | 24/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với sự gia tăng cả về dân số và thị hiếu tiêu dùng của người Hồi giáo hiện nay, sản phẩm Halal ngày càng chiếm thị phần lớn trên thị trường quốc tế và đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực.

Công đồng Hồi giáo có dân số lớn thứ hai trên toàn thế giới, một tôn giáo phát triển nhanh nhất và được dự kiến sẽ chiếm một phần lớn trong chi tiêu của người tiêu dùng. Do đó, nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ đang ngày càng chú ý đến người tiêu dùng Hồi giáo.

Chúng ta đang chứng kiến các xu hướng phát triển của thị trường này trong du lịch và khách sạn, thương hiệu và tiếp thị, thực phẩm và đồ uống, làm đẹp, bán lẻ, sức khỏe, lối sống. Khách hàng cũng vì thế tăng cao nhu cầu cả về số và chất lượng sản phẩm Halal.

Dưới đây là các xu hướng hàng đầu cho thị trường Hồi giáo cho năm 2019.

Thực phẩm Halal

Năm 2019, thị trường thực phẩm Halal được dự đoán trị giá hơn 2 tỷ USD và sẽ tăng nhanh hơn so với thị trường thực phẩm thông thường với dự báo có thể chiếm gần 20% thị trường thực phẩm thế giới.

Điều này có nghĩa là nhu cầu về thịt Halal, một món ăn quan trọng trong thực đơn của người Hồi giáo trên toàn thế giới gia tăng nhanh chóng.

Thị trường sản phẩm Halal - cơ hội cho các doanh nghiệp Việt - ảnh 1
Dự báo nhiều quốc gia Hồi giáo sẽ nhập khẩu thực phẩm Halal từ một quốc gia không đa số Hồi giáo.

Ví dụ như Philippines, nước này đã thấy cơ hội ở thị trường Halal và các công ty tại đây đã đầu tư nhiều hơn để tăng cường năng lực của quốc gia để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ Halal. Họ đã thúc đẩy quan hệ đối tác với Brunei, Indonesia và Malaysia để phát triển thị trường cho sản phẩm Halal của mình.

Tương tự, tại Đài Loan, chuỗi nhà hàng bánh bao Din Tai Fung được gắn sao Michelin đã thay thế thịt lợn bằng thịt gà tại một số cửa hàng ở Jakarta và Kuala Lumpur.

Các công ty lớn trên thị trường như Nestle, Cargill, Unilever, Kawan Food cũng đang tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần. Thị trường Halal đã và đang mang đến cơ hội phát triển cho cả hệ thống chuỗi từ sản xuất đến dịch vụ tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, các sản phẩm nông sản như chè, cà phê cũng bắt đầu tham gia tốt hơn trong chuỗi cung cấp thực phẩm Halal.

Công nghiệp thời trang Halal

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo Toàn cầu năm 2018, người tiêu dùng Hồi giáo chi khoảng gần 300 tỷ USD cho quần áo và ngành công nghiệp này dự kiến sẽ tăng lên 322 tỷ USD vào năm 2019 - lớn hơn thị trường quần áo hiện tại của Anh (110 tỷ USD) , Đức (101 tỷ USD) và Ấn Độ (98 tỷ USD) cộng lại.

Các thương hiệu toàn cầu đã bắt đầu phục vụ cho nhóm người Hổi giáo trẻ, có thu nhập cao và sẵn sàng chi tiêu cho cá nhân lớn. Dòng sản phẩm Shiseido từ Zara hiện đã được chứng nhận Halal, Uniqlo đã giới thiệu một loạt quần áo dành cho người Hồi giáo, tuy còn rất khiêm tốn.

Thị trường sản phẩm Halal - cơ hội cho các doanh nghiệp Việt - ảnh 2
Sự phát triển của mạng xã hội, giao lưu và giao thoa các nền văn hóa của các nước khiến cộng đồng người Hồi giáo có sự thay đổi.

Đặc biệt, người Hồi giáo đang tham gia ngày càng tăng vào các sự kiện thể thao cấp khu vực và quốc tế cũng là cơ hội để họ quảng bá văn hóa bản sắc của mình, đặc biệt là trên lĩnh vực thời trang với các sản phẩm giản dị mà độc quyền như khăn trùm đầu thân thiện với thể thao, quần ống rộng, áo phông, áo khoác…

Ở chiều ngược lại, các sản phẩm như thời trang đường phố, áo tắm, đồ bơi của văn minh phương Tây cũng đang ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng của người Hồi giáo, tạo dư địa lớn cho thị trường tại các quốc gia Hồi giáo.

Điều này chứng tỏ sức mạnh của thị trường thời trang Hồi giáo mới nổi, tạo dư địa lớn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư cũng như tạo ra từng phân khúc trong chuỗi giá trị thuộc công nghiệp thời trang toàn cầu.

Mỹ phẩm Halal và sản phẩm chăm sóc cá nhân

Nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân bằng sản phẩm có chứng nhận Halal đang tăng lên, khiến thị trường này mở rộng nhanh chóng.

Thị trường sản phẩm Halal - cơ hội cho các doanh nghiệp Việt - ảnh 3
Điều đáng lưu ý là thị trường mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân Halal phát triển ngoạn mục không chỉ ở các quốc gia Hồi giáo mà cả các quốc gia không theo đạo Hồi. Các sản phẩm này được các cộng đồng khác chấp nhận rộng rãi vì chúng được coi là an toàn, chất lượng cao theo quy trình công nghệ hiện đại.

Tại Việt Nam, đã có một vài công ty cung cấp sản phẩm chăm sóc cá nhân với người Hồi giáo nhưng quy mô còn rất nhỏ.

Du lịch Halal

Halal không còn độc quyền trong lĩnh vực thực phẩm mà còn bao gồm lĩnh vực du lịch. Trong năm 2019, ước tính khách du lịch Hồi giáo sẽ vào khoảng 329 triệu người.

Nhiều quốc gia đang chú ý đến du lịch Halal theo mô hình du lịch thân thiện với gia đình. Indonesia đang coi du lịch Halal là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp cho nền kinh tế. Họ đang chuẩn bị các điểm đến du lịch Halal ở nước họ, với mục tiêu nhắm đến khoảng bốn triệu khách du lịch Hồi giáo vào năm 2019.

Thị trường sản phẩm Halal - cơ hội cho các doanh nghiệp Việt - ảnh 4
Nhật Bản ước tính sẽ chào đón hơn một triệu khách du lịch Hồi giáo vào năm 2019. Một số lượng lớn các nhà hàng và dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo đã được nước này chuẩn bị một cách chu đáo để đón tiếp khách du lịch.

Để quảng bá cho du lịch Việt Nam hướng tới khách hàng là người Hồi giáo, Công ty tư vấn Phát triển Halal và Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo ”Dịch vụ thân thiện cho người Hồi giáo” theo tiêu chuẩn Halal MS 2610:2014.

Đây có thể coi là một trong những bước đi của doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận với thị trường Halal đầy tiềm năng này.

Trần Văn Tân Cương
Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Phát triển Halal