Thị trường tài chính 2020: Nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực

07:26 | 23/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Các chuyên gia dự báo, thị trường tài chính năm 2020 của Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, trên nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, vững chắc…
Thị trường tài chính 2020: Nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực - ảnh 1
Năm 2019 được coi là năm thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách trên mọi mặt. Nguồn: Internet.
Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, năm 2019 được coi là năm thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách trên mọi mặt.

Cho dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, đặt ra thách thức không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế trong nước, nhưng ngành tài chính đã hoàn thành toàn diện kế hoạch xây dựng pháp luật; thu ngân sách nhà nước vượt trên 9,1% dự toán được Quốc hội và Chính phủ giao; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép…

Đánh giá về triển vọng thị trường tài chính năm 2020, các chuyên gia tại Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính nhận định thị trường tài chính năm 2020 nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, bao gồm:

Môi trường kinh doanh ổn định và Việt Nam đã và đang thực hiện tốt việc kiểm soát mục tiêu lạm phát, trong năm 2020, CPI tiếp tục giữ vững ở mức dưới 4%.

Mặc dù cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước đối tác nhập khẩu chính của hai nước này, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên, các hiệp định lớn mà Việt Nam vừa ký như EVFTA, CPTPP sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất nhập khẩu vào các nước lớn tại châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc như hiện nay.

Trong bối cảnh trên, triển vọng thị trường tài chính Việt Nam được dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục được giữ ở mức 13-14%; lãi suất ngân hàng và trái phiếu chính phủ tiếp tục giữ ở mức thấp, thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định. Cùng với đó, chất lượng tài sản ngân hàng được cải thiện, đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong trường hợp kinh tế biến động.

Các chuyên gia tại Viện Chiến lược và chính sách tài chính cũng dự báo: Đối với thị trường ngoại hối, trong dài hạn, đồng VNĐ sẽ tăng giá nhẹ so với đồng USD vào cuối năm 2020 nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực từ tình hình sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước. Giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới nên sẽ có xu hướng tăng cùng, có thể đạt mức giá kỷ lục mới ở mức 46 triệu đồng/lượng.

TTCK sẽ có nhiều khởi sắc hơn vì tuy các doanh nghiệp BĐS có thể gặp khó khăn nhưng một số dự án có thể mang lại triển vọng cho TTCK là dự án BĐS xung quanh sân bay Long Thành, hay những doanh nghiệp BĐS có quỹ đất lớn và giao thông thuận tiện tại khu vực thu hút nhiều vốn FDI. Năm 2020 là năm cuối cùng để các ngân hàng thương mại phải niêm yết lên sàn và đạt chuẩn Basel II sẽ tạo cơ hội cho các dạng cổ phiếu này có triển vọng phát triển.

Thị trường tài chính 2020: Nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Nhiều khả năng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạn trong năm 2020 theo tiêu chí của FTSE Russei, khi đó, dòng vốn ngoại sẽ đổ rất nhanh vào thị trường trong thời gian tới.

Năm 2020, thị trường trái phiếu chính phủ sẽ có khoảng 128 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn, cao hơn 11,6% so với 2019. Nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ để tăng tài sản có thanh khoản của các ngân hàng thương mại và xu hướng nới lỏng tiền tệ sẽ khiến lãi suất trái phiếu chính phủ có thể sẽ giảm tiếp trong 2020 nhưng mức giảm sẽ nhỏ hơn nhiều so với năm 2019.

Đồng quan điểm với các chuyên gia tại Viện Chiến lược và chính sách tài chính, TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng-Phó Ban tuyên truyền lý luận-Báo Nhân dân dự báo: Thị trường tài chính và nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2020 sẽ được duy trì ổn định vững chắc trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ biến động mạnh.

Để phát triển thị trường tài chính Việt Nam theo hướng hiện đại, lành mạnh, với cơ cấu hợp lý góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô cho tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TS. Nguyễn Minh Phong khuyến nghị ngành tài chính cần tiếp tục tập trung hiện đại hóa, nâng cao năng lực tài chính và hoạt động của khu vực ngân hàng; đa dạng hóa các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tiền tệ, nhất là các công cụ phái sinh; đa dạng hóa các thành viên tham gia thị trường và bảo đảm các tổ chức tín dụng có đủ vốn tự có theo tiêu chuẩn Basel II.

Cùng với đó là nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại, phù hợp chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng về thông tin và thanh toán của hệ thống ngân hàng thông qua áp dụng công nghệ số, công nghệ tài chính.

Hình thành thị trường mua bán nợ, mở rộng và phát triển thị trường vốn theo chiều sâu. Phát triển cơ sở nhà đầu tư có tổ chức, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý các quy định hướng dẫn việc triển khai các loại hình đầu tư chuyên biệt.

Ngoài ra, cần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm trên thị trường phái sinh. Đặc biệt, nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính, tăng cường phối hợp, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý, giám sát tài chính, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, đảm bảo thị trường tài chính hoạt động ổn định và lành mạnh.