Thị trường tài chính ngân hàng còn rất nhiều dư địa cho hoạt động M&A
17:54 | 29/07/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian vừa qua khá sôi động với các giao dịch lớn chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính và bất động sản nhằm tập trung khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam.
Theo đánh giá của bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS), một số yếu tố cơ bản làm giảm sức hút của thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) chính là quy định pháp luật, quá trình định giá và công bố thông tin. Tuy nhiên, dư địa để phát triển thị trường M&A ở Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thưa bà, trong những năm qua, thị trường M&A diễn ra khá sôi động. Vậy bà đánh giá như thế nào về thị trường M&A của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019?Và xu hướng M&A về tài chính ngân hàng trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào?
Bà Trần Thị Bảo Ngọc: Trong thời gian vừa qua, hoạt động M&A đang diễn ra mạnh mẽ hơn, có khối lượng, quy mô lớn hơn, tính phức tạp cũng cao hơn… Điều đó cho thấy thị trường M&A của nước ta đang hoàn thiện, hấp dẫn hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam hơn.
Trong đó, ngành tài chính ngân hàng và ngành bán lẻ, tiêu dùng vẫn tiếp tục có sức hút lớn và là mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2018 và nửa đầu năm nay, thị trường M&A cũng ghi nhận sự vươn lên của các nhà đầu tư, DN nội để xây dựng vị thế của mình tại “sân nhà”, nhất là trong lĩnh bán lẻ.
Bên cạnh đó, thị trường M&A về tài chính ngân hàng vẫn đang còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng lưu ý là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đang và sẽ tiếp tục có xu hướng chú ý, quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam. Do đó, trong nửa cuối năm nay cũng như thời gian tới, ngành tài chính ngân hàng vẫn là ngành có thế mạnh và độ hấp dẫn cao, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, thời gian qua, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước được cải thiện đáng kể. Vi vậy, dù hiện tại trong ngành tài chính ngân hàng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, như quy định về việc khống chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch…song, điều đó không làm giảm đi sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này.
Theo bà, bên cạnh những thuận lợi thì những yếu tố nào khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam?
Bà Trần Thị Bảo Ngọc: Tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu vào thị trường Việt Nam thông thường họ đã có được những thông tin và kênh nhất định của họ. Thông qua đó, họ đã hiểu rõ về đối tượng định hướng đến trong thị trường và tất nhiên họ cũng sẽ có những hỗ trợ từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp bản địa.
Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan ngại nhất khi đến với thị trường M&A Việt Nam đó là yếu tố về pháp luật, sự thiếu nhất quán trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư. Việc hoàn tất các thủ tục giao dịch theo quy định của pháp luật và các quy trình của các cơ quan nhà nước còn nhiều vướng mắc và chưa thuận lợi khiến cho các nhà đầu tư khá đau đầu.
Mặt khác, các giao dịch M&A đã và đang vướng nhiều thủ tục hành chính khiến cho thời gian của các giao dịch luôn bị kéo dài quá dự kiến và đội chi phí tăng lên. Thậm chí, nắm trước được khó khăn này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đưa vào các giao dịch của mình nhiều tư vấn luật chuyên nghiệp, song họ vẫn không thể chắc chắn được thương vụ sẽ được hoàn tất theo đúng thời gian đã đặt ra. Hy vọng khi Việt Nam thực hiện các cam kết mở cửa thị trường thì quy định của Việt Nam về M&A sẽ tiệm cận những thông lệ quốc tế, gỡ vướng cho các giao dịch mua bán này.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn trong hoạt động M&A hiện nay đó là vấn đề định giá. Đây là bài toán nan giải từ lúc bắt đầu giao dịch cho đến lúc thẩm định cũng như khi có các vấn đề phát sinh khác yêu cầu phải điều chỉnh mức giá… Nhiều nhà đầu tư cho hay, giao dịch M&A thất bại bởi kết quả thẩm định không như kỳ vọng của họ và có sự chênh lệch khá lớn về định giá.
Ngoài ra còn một khó khăn không nhỏ nữa là có sự chênh lệch giữa quy chuẩn, quy định về kế toán, kiểm toán của Việt Nam so với các nước. Việc san bằng khoảng cách và sự chênh lệch này đối với các nhà đầu tư là tương đối khó khăn.
Đó là những khó khăn đối với nhà đầu tư, vậy còn đối với người bán khó khăn đó là gì thưa bà? Các đơn vị cần làm để có được các giao dịch M&A thành công?
Bà Trần Thị Bảo Ngọc: Khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp trong nước khi tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính đó là vấn đề về sự sẵn sàng trong việc cung cấp thông tin. Bởi một doanh nghiệp với tư cách là bên bán khi tham gia vào một giao dịch M&A thì cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ về thông tin cho đối tác. Tuy nhiên, thông thường, doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị thông tin cần thiết như thế nào cho đầy đủ, hợp lý, chính xác theo đúng mong muốn của nhà đầu tư. Chính yếu tố đó, cộng thêm sự chênh lệch trong quy định, quy chuẩn về kiểm toán, kế toán hay vấn đề pháp lý như đã nêu trên đã ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến các thương vụ mua bán.
Vì vậy, để có được giao dịch thành công thì yếu tố tiên quyết là doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ cho đầy đủ, xác định các tiêu chí nhà đầu tư cần, xác định các tiêu chí để hai bên có thể gặp gỡ được nhau cũng như các kỳ vọng của hai bên đối với giao dịch đó nó có thể là giá trị về giao dịch, giá mua, giá bán…
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia bằng cách liên tục cải tiến môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch, cải cách khung pháp lý và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là các chuyên gia tư vấn M&A, nhằm giúp các doanh nghiệp nội cũng như các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro.