Thời điểm để hàng không cất cánh chính là bây giờ
“2022 là lúc chúng ta cần đứng lên và ra khỏi nhà”
Nhà báo Ngô Trần Hải An – còn được biết đến với tên gọi “Quỷ Cốc Tử” được nhiều người coi như “quyển bách khoa toàn thư” về du lịch về những hành trình du lịch đầy cảm hứng. Tham dự toạ đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới” để góp thêm tiếng nói khách quan về quá trình khôi phục của ngành hàng không, du lịch, Ngô Trần Hải An chia sẻ: “2022 là lúc chúng ta cần đứng lên, ra khỏi nhà, tiếp nối các chuyến đi, tiếp nối các trải nghiệm.
Trong dịp Tết vừa qua, trong 1 ngày tại núi Bà Đen đón 95.000 lượt khách. Ngày 18/2, hòn đảo nhỏ bé như Côn Đảo đón tới 30 chuyến bay. Thậm chí, sau khi An chia sẻ một vài bức ảnh về một ngôi chùa có 3 cây hoa vàng rất đẹp, ngày hôm sau đã có hàng nghìn người tới tham quan. Trên các diễn đàn chuyên về du lịch, nhiều người hỏi nhau xin visa bây giờ như thế nào, làm sao để kết nối những chuyến đi và họ rủ rê nhau để đi. Bản thân An cũng có những kế hoạch cho những chuyến đi sắp tới rồi. Nhu cầu du lịch lớn lắm nên chúng ta đừng lo lắng 2022 có khách hay không, chúng ta phải nghĩ sẽ đón khách như thế nào, travel blogger 8x phân tích.
Tôi rất thích câu nói ‘Theo thời gian, chúng ta sẽ hối hận về những gì chúng ta chưa làm, hơn là những gì chúng ta đã làm’. Nếu chúng ta còn băn khoăn bao giờ là thời điểm để hàng không cất cánh, thì chính là bây giờ”, “Quỷ Cốc Tử” Ngô Trần Hải An nhấn mạnh.
Đây là những ý kiến travel blogger nổi tiếng đưa ra trong bối cảnh các cơ quan hữu quan Việt Nam đang hoàn tất các phương án nhằm mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Cùng chung nhận định trên, các diễn giả, chuyên gia hàng không, lữ hành có mặt tại toạ đàm hoan nghênh quyết định mở cửa trở lại hàng không và du lịch, cho rằng đây là hai ngành có quan hệ tương tác mật thiết với nhau, tạo động lực cho sự phát triển, hồi phục kinh tế hậu đại dịch. Trong đó, ngành hàng không cần “đi trước một bước”, sẵn sàng mọi nguồn lực để nối lại các hoạt động mở cửa bầu trời sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh.
“Hãy để cho tư nhân làm”
Ông Lương Hoài Nam, thành viên hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi phân tích tại toạ đàm: “Chúng ta hình dung trước thời COVID, cứ mỗi 2 tuần Việt Nam thu 1 tỷ USD doanh thu từ du khách quốc tế, đó là một con số cực lớn. Trong khi đó, 2 năm qua ngành du lịch quốc tế bị đóng băng, thiệt hại là rất lớn”.
Và để có sự phục hồi của hàng không, của du lịch, thì cần phải có sự phát triển về hạ tầng tương ứng, theo đó, cái gì tư nhân làm được hãy để cho tư nhân làm, ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Là một hãng bay tư nhân đã nhanh chóng tăng nhanh tần suất và mở mới nhiều đường bay quốc tế ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam cho phép dỡ bỏ mọi hạn chế, khôi phục mạng bay như trước dịch, Bamboo Airways cho thấy sức chống chịu và sự chuẩn bị kĩ càng để sẵn sàng cho kế hoạch bay quốc tế trong năm 2022. Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, đơn vị này duy trì kế hoạch mở rộng mạng bay, quy mô đội bay, nâng cấp chất lượng dịch vụ định hướng 5 sao chuẩn quốc tế, bất chấp bối cảnh dịch bệnh.
“Trong nguy có cơ, hai năm vừa qua khi thị trường hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là dịp để Bamboo Airways củng cố lại hệ thống, chuẩn hoá nhân sự..., để sẵn sàng mở cửa. Dịp Tết vừa qua đã chứng minh sự chuẩn bị của Bamboo Airways là rất thành công”, ông Nguyễn Ngọc Trọng nói.
Về mạng bay, đối với khu vực châu Á nói chung, Đông Bắc Á nói riêng, Bamboo Airways hiện khai thác các đường bay: Hà Nội – Narita, Hà Nội – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội – Incheon (Hàn Quốc). Với khu vực châu Âu, châu Úc, ngay trong tháng 2/2022, hãng đã triển khai các chuyến bay thẳng TP Hồ Chí Minh – Melbourne (Úc) và dự kiến triển khai các chặng bay kết nối Hà Nội – Frankfurt (Đức); tháng 3 tới, hãng dự kiến triển khai các chặng Hà Nội – London (Anh), TP Hồ Chí Minh – Sydney (Úc).
Hãng cũng lên kế hoạch tăng tốc triển khai các đường bay TP Hồ Chí Minh – Frankfurt (Đức), Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – Munich (Đức) giai đoạn sắp tới. Tại Đông Nam Á, Bamboo Airways lên kế hoạch triển khai đường bay TP Hồ Chí Minh – Singapore ngay trong tháng 3/2022 và dự kiến phát triển nhiều tuyến đường bay tới các nước khác trong khu vực dịp hè 2022.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá Bamboo Airways có một chiến lược thực sự táo tợn và thông minh để thành công, nếu có sự đồng nhịp về thể chế nữa thì sẽ rất tốt. “Như TS Lương Hoài Nam nói về hạ tầng sân bay, cần mở ra, giống như là đường phải mở ra. Chắc là phải có sự can dự của tư nhân thì đất nước mới lớn lên được. Nguồn lực chủ yếu để đất nước lớn lên là ở tư nhân cộng với thể chế của nhà nước”, ông Hà Văn Siêu khẳng định.
Trong khi đó, blogger Ngô Trần Hải An, một tín đồ ưa dịch chuyển cho biết anh rất ấn tượng với các đường bay của Bamboo Airways: “Bamboo Airways có đường bay rất hay từ TP HCM đi Điện Biên. Với Bamboo Airways, chỉ là một đường bay. Nhưng bạn nghĩ sao nếu buổi sáng bạn ở ăn sáng, uống cà phê ở TP Hồ Chí Minh, buổi chiều, bạn đã có thể ngắm biển mây ở” Tây Bắc. Như vậy, một chuyến bay không chỉ là một chuyến bay. Hơn cả một đường bay, nó mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc mới, chân trời mới”.
Kỳ vọng vào đà phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022, Bamboo Airways lên kế hoạch mở rộng quy mô mạng bay của hãng lên gần 80 đường bay nội địa và gần 40 đường quốc tế, sẵn sàng mọi điều kiện tối ưu để sải cánh an toàn.