Bức tranh kết quả kinh doanh quý I của các hãng hàng không khởi sắc

Thùy Dương 17:44 | 05/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
So với cùng kỳ 2022, kết quả kinh doanh quý I năm nay của các hãng bay đều ghi nhận tín hiệu khởi sắc rõ rệt.

Trong 3 tháng đầu năm, Vietnam Airlines (HVN) báo doanh thu thuần đạt gần 23.494 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Dù vậy, các khoản chi phí của hãng đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 46%, chi phí bán hàng vượt lên 187% (gấp xấp xỉ 3 lần) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23%.

Sau khi trừ các khoản chi phí, hãng hàng không quốc gia đã có lãi trước thuế 19 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ ròng 37 tỷ đồng quý I/2023, đánh dấu 13 quý lỗ ròng liên tiếp.

 

Theo ban lãnh đạo, HVN nhận kết quả kinh doanh khởi sắc so với cùng kỳ nhờ doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu nội địa tăng 76,5%, quốc tế tăng 618,5% do thị trường phục hồi mạnh. 

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Vietjet (VJC) ghi nhận doanh thu  đạt 12.898 tỷ đồng, tăng mạnh 185% cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 173 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ quý I/2022 nhưng tăng mạnh so với mức lỗ của quý IV/2022.

 

Ban lãnh đạo VJC cho biết doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ do trong 3 tháng đầu năm, VJC đã thực hiện 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng lần lượt 57% và 75% so với quý I/2022. Hãng cũng tập trung phát triển thị trường quốc tế khi mở thêm 10 đường bay mới (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay lên 105 đường bay (55 đường bay nội địa, 50 đường bay quốc tế). 

Đồng thời, hoạt động vận chuyển hàng hoá cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao đạt hơn 14.800 tấn hàng hóa, tăng 20% so với quý I/2022. Doanh thu hoạt động vận tải hàng không đạt 12.880 tỷ đồng, tăng 286%, trong đó doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu. Lợi nhuận gộp vận tải hàng không trong quý của hãng đạt 1.081 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp 8,4%.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (UPCoM: VTR) cũng cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc của hãng bay Vietravel Airlines, một thành viên của Vietravel. Theo đó, báo cáo tài chính quý I ngày 4/5 của Vietravel ghi nhận doanh thu thuần 1.029 tỷ đồng, tăng gần 4,8 lần so với cùng kỳ, lãi ròng 16,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 108 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, quý I năm nay, VTR không ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết (trong khi cùng kỳ lỗ hơn 60 tỷ đồng do kết quả kinh doanh không mấy khả quan ở mảng hàng không - Vietravel Airlines).

Giải trình về kết quả kinh doanh khởi sắc, VTR cho biết tập đoàn đã thực hiện có hiệu quả những quyết định tái cơ cấu, cùng với thuận lợi chung từ thị trường mở cửa và hoạt động du lịch trở lại giúp lợi nhuận ròng tăng mạnh so với mức nền thấp do dịch bệnh cùng kỳ năm ngoái.

 

Phía CTCP Hàng không Tre Việt (OTC: BAV - Bamboo Airways) chưa công bố kết quả chi tiết. Tuy nhiên, tại phiên họp cổ đông bất thường hồi đầu tháng 4, thông tin đưa ra cho biết hãng đã gần đạt điểm hoà vốn trong quý I/2023.

Du lịch thắng lớn, ngành hàng không kỳ vọng khởi sắc từ quý II

Thay vì phòng thủ, giữ hoặc thu hẹp quy mô để giảm chi phí như 3 năm vừa qua, trong bối cảnh nhu cầu vận tải quốc tế phục hồi sau dịch, các hãng hàng không cũng đang gấp rút lên kế hoạch bổ sung máy bay để phục vụ nhu cầu mở rộng mạng bay.

Theo đó, Bamboo Airways dự kiến nhận thêm 6-8 tàu bay mới. Hãng cho biết đang làm việc với các đối tác tại Trung Quốc để mở các đường bay mới đến đây từ nay đến hết quý III. Đồng thời, hãng cũng tăng tần suất nhiều đường bay tới Đông Nam Á và Đông Bắc Á nửa cuối năm.

Còn VJC dự kiến sẽ tăng đội tàu bay lên 87 chiếc, khai thác 139.513 chuyến bay, vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm 2023. VTR cũng dự kiến nhận thêm 3 tàu bay để nâng quy mô đội bay lên 6 chiếc nhằm mở rộng khai thác thị trường quốc tế.

Về phần hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines,  trong quý đầu năm, hãng bay này cho biết đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch. 

Việc khôi phục khai thác ổn định cả thị trường trong nước và quốc tế của các hãng hàng không được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận phục hồi về cuối năm.

Trước đó, Chứng khoán VNDIRECT đã nhận định ngành hàng không nhiều khả năng tăng trưởng mạnh trong năm nay, dựa trên dự báo sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023 giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ. Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025 so với giai đoạn đại dịch.

Trên thực tế, quý I/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế đạt 7,1 triệu khách, bằng xấp xỉ 68% so cùng kỳ năm 2019. Cuối tháng 4 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra dự kiến thị trường hàng không quốc tế trong các tháng hè sẽ tiếp tục hồi phục và với việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15/3, dự báo tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn so quý I/2023. Cụ thể, thị trường sẽ đạt mức từ 2,5 triệu khách đến 3 triệu khách/tháng với tỷ lệ hồi phục tăng dần từ 78% đến 80% so các tháng ứng cùng kỳ 2019.

“Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga thì các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan.

Đáng chú ý, các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch” – ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết. Theo đó, dự báo thị trường hàng không quốc tế sẽ hoàn toàn hồi phục như giai đoạn trước dịch COVID-19 vào các tháng cuối năm 2023.

Riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, tín hiệu phục hồi đáng chú ý của ngành du lịch trong nước cũng góp phần dự báo một triển vọng sáng hơn cho các hãng bay.

Theo đó, ngày 3/5, Sở Du lịch Hà Nội cho biết trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 29/4 đến hết 3/5), Hà Nội đón 719.500 lượt khách, gồm 69.500 lượt khách du lịch quốc tế và 650.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.400 tỷ đồng.  Theo thống kê từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, trong 5 ngày trên, cảng đã phục vụ gần 2.700 lượt chuyến bay và hơn 422.000 lượt hành khách. So với năm 2022, lượng chuyến bay và hành khách nội địa đạt mức tương đương trong khi sản lượng chuyến bay quốc tế tăng 86% và hành khách quốc tế tăng 299%.  

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng công bố tổng lượng khách tham quan Đà Nẵng ước đạt hơn 321.000 lượt, tăng hơn 26% so với năm 2022. Tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng là 636 chuyến, tăng 36 chuyến so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, quốc tế 230 chuyến, nội địa 406 chuyến.

Cũng trong dịp này, Sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ 4.466 chuyến bay, trong đó 1.380 chuyến bay quốc tế và 3.086 chuyến bay quốc nội với 755.910 hành khách, trong đó 255.715 khách quốc tế và 500.195 khách quốc nội. Trung bình mỗi ngày có hơn 126.000 khách qua sân bay. So với năm ngoái, tổng số chuyến bay tăng 18,3%, tổng số khách tăng gần 33%.

Ngày 29/4, Tổng cục thống kế vừa có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, vận tải hành khách 4 tháng đầu năm của ngành hàng không đạt 18,5 triệu lượt khách, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt khoảng 3,3 triệu lượt người, chiếm 88,7% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 19,2 lần cùng kỳ 2020.