Vì sao Sasco của 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn báo lãi quý II giảm dù doanh thu tăng gấp đôi?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 công bố ngày 18/7, SAS ghi nhận gần 606 tỷ đồng doanh thu trong quý, tăng mạnh 105% so với cùng kỳ (svck) năm trước. Trong đó, doanh thu hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế đạt 216 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động phòng chờ 133 tỷ. Doanh thu hàng hoá tại trung tâm thương mại và chi nhánh khác là 68 tỷ đồng.
Chi phí tài chính vượt lên gần 1,2 tỷ đồng, không có chi phí lãi vay trong khi cùng kỳ âm 2,8 tỷ đồng và lãi vay hơn 28 triệu đồng.
Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gấp 2,5 lần và 2,3 lần svck lần lượt đạt 204 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, lãi ròng SAS đạt 74 tỷ đồng, giảm 11,7% so với quý II/2022.
Theo giải trình từ công ty, lãi ròng giảm do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành. Trong quý có khoản lỗ tính thuế năm 2021 chuyển qua năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, SAS ghi nhận doanh thu thuần 1.173 tỷ đồng, gấp gần 3 so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 131 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên 110 tỷ đồng.
Năm 2023, SAS đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.252 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 274 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 19% so với kết quả đạt được năm 2022. Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm qua, công ty đã hoàn thành 52% chỉ tiêu doanh thu và xấp xỉ 48% kế hoạch lợi nhuận.
Về tình hình tài chính, hết 30/6, tổng tài sản của SAS đạt 2.125 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn với 1.280 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền đạt 254 tỷ đồng, công ty chỉ nắm 16,8 tỷ đồng tiền mặt, còn lại chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn 159 tỷ đồng.
Hàng tồn kho đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó hàng hóa chiếm 96% đạt 289 tỷ đồng, cũng tăng khoảng 19% so với đầu năm.
Nợ phải trả tăng 30,5% lên 676 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Công ty không có vay và nợ thuê tài chính. Vốn chủ sở hữu đạt 1.449 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với đầu năm.