Thú chơi mới của giới siêu giàu: Nuôi lợn rừng lấy nanh 5000 USD/chiếc
Những chiếc nanh lợn rừng, có tuổi đời lâu năm hiện là vật phẩm mà nhiều vị đại gia khát khao săn lùng. Như một chiếc nanh ngọc, dòng đặc, loại thượng hạng, "thượng đế" phải bỏ ra từ 4.000 - 5.000 USD để sở hữu.
Thú chơi nanh lợn rừng đã xuất hiện từ cách đây nhiều năm, nay bất ngờ "hot" trở lại khiến nhiều người không khỏi tò mò khi thấy những chiếc nanh lợn rừng, có tuổi đời lâu năm đang là vật phẩm mà nhiều vị đại gia khát khao săn lùng.
Giá một chiếc nanh lợn rừng 10 - 20 năm từ 2.000 - 3.000 USD. Nhưng một chiếc nanh ngọc, dòng đặc, loại thượng hạng, "thượng đế" phải bỏ ra từ 4.000 - 5.000 USD để sở hữu.
Theo dân gian truyền miệng, nanh heo rừng khi đeo trên người sẽ giúp chủ nhân thâu tóm thời vận, may mắn, thịnh vượng, tránh được tà ma, bệnh tật… Cũng chính vì niềm tin tâm linh ấy mà nhiều người tìm mua cho bằng được để vừa làm “bùa hộ mạng” vừa làm vật đeo trang trí. Hệ lụy là loài heo rừng hoang dã có thêm nguy cơ bị tiêu diệt khi những chiếc nanh của chúng ngày càng trở thành món hàng có lợi nhuận béo bở.
Tuy nhiên, ngày nay lợn rừng thật rất hiếm hơn nữa, buôn bán động vật hoang dã và sản phẩm của chúng bị nghiêm cấm nên người ta cũng chỉ có thể mua bán nanh của loại lợn được dân nuôi. Vì thế nghề nuôi lợn rừng lấy nanh đang dần phổ biến ở một số địa phương và rất đắt khách.
Theo quảng cáo của một số dân buôn, nanh lợn rừng được coi là linh vật may mắn, bùa hộ mệnh của giới kinh doanh, đem đến những điều tốt lành trong kinh doanh, giúp họ thăng tiến về địa vị xã hội, đem lại những khoản hợp đồng kinh tế có lợi cho họ, tránh bị đối thủ chơi xấu sau lưng. Nên dù giá nanh có cao cắt cổ nhưng các "thượng đế" vẫn sẵn sàng rút ví, chi trả hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, nhiều người còn đổ cả núi tiền vào việc nuôi lợn rừng để lấy nanh.
Nhiều vị đại gia sẵn sàng bỏ hàng nghìn đô để săn nanh lợn rừng xịn. (Ảnh: Dân trí)
Trao đổi với Dân trí, anh Guyện (Hà Giang) cho biết đang dùng 300m2 đất để chăn thả lợn rừng. Ngoài nuôi bán lấy thịt, anh còn nuôi bán lấy nanh với giá trị cao. Theo anh, lợn càng nuôi lâu thì nanh càng đặc, càng dài. Đối với những chiếc nanh ngọc hiện có giá từ 10 triệu đồng/chiếc, loại đặc hơn có thể lên tới 60 - 70 triệu đồng/chiếc.
"Đàn lợn nhà tôi hiện cũng nuôi được tầm khoảng 5 - 6 năm, có con giờ nanh dài hơn 5cm. Thức ăn chủ yếu của chúng là cám, rau rừng và áp dụng chế độ chăn thả tự nhiên." - Anh nói.
Nhiều người dân ở Hà Giang xây dựng mô hình nuôi heo lấy nanh. (Ảnh: Dân trí)
Anh Nguyên, một tiểu thương chuyên bán nanh lợn rừng khác cũng chia sẻ, trong vài năm trở lại đây, giới kinh doanh đổ xô đi tìm "báu vật" của núi rừng. "Thông thường, khi mua nanh lợn về họ sẽ chế thành vòng cổ hoặc vòng đeo tay, tùy theo kích cỡ. Ở đầu mỗi chiếc nanh sẽ được bọc vàng hay bạc để tăng độ thẩm mỹ và nâng cao vị thế của gia chủ. Các loại được chọn thường là loại nanh dài, tròn cong tự nhiên, màu sắc đẹp." - Anh Nguyên tiết lộ.
Anh Nguyên cũng kể rằng, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại nanh kém chất lượng bán tràn lan. Nên người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ rất dễ gặp phải tình huống tiền mất tật mang khi mua phải hàng giả, hàng nhái.
Anh cho biết: "Nanh lợn rừng thật thường có đường vân khá rõ, còn nanh giả nhựa hoặc xương thì màu sắc sẽ sáng hơn hoặc bóng hơn. Không những thế, chiếc nanh thật thì luôn có một độ cứng, sắc bén ổn định, nếu sờ kỹ bằng tay có thể phân biệt".
Nanh lợn rừng giá rẻ được rao bán tràn lan trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Dân trí)
Theo bật mí của người trong nghề, nếu là nanh thật thì không bao giờ có giá bèo 100.000 - 200.000 đồng/chiếc như rao bán tràn lan trên các chợ mạng, hội nhóm, sàn thương mại điện tử... Đây chỉ là chiêu trò khiến người tiêu dùng sập bẫy.
Thậm chí, một người sành chơi nanh lợn rừng ở Hà Nội còn cho biết, hiện nay một số gian thương còn dùng chiêu trò dùng móng trâu, móng bò tẩy hóa chất để đục đẽo, mài nhẵn nhằm đánh lừa khách hàng. Nên trước khi mua, cách đơn giản nhất là nhìn vào màu sắc để phân biệt độ thật giả. Như chiếc nanh thật thường có màu ngả vàng, phần đầu nanh sẽ đậm hơn các phần còn lại.
Vị trí mọc nanh trên con lợn cũng quyết định giá thành của vật phẩm. Như chiếc nanh lục chiếc, loại mọc trên đầu con lợn được gọi là hàng "cực phẩm" có thể lên tới 5.000 USD. Và 2 chỗ mọc nanh còn lại là hàm dưới và hàm trên. Ở các vị trí này, nanh thường khá dài, có chiếc còn lên tới 12cm. Do đó, các nghệ nhân làm vàng bạc thường mua về chạm trổ, điêu khắc hay làm đồ trang sức.
Trên thực tế, việc nanh lợn rừng có tác dụng tâm linh mang tới may mắn, thịnh vượng, tránh được tà ma, bệnh tật… cũng chưa ai kiểm chứng được, tất cả cũng chỉ là truyền miệng trong dân gian. Vì từ lâu, trong truyền thuyết dân gian đã có nói đến tác dụng thần bí của nanh lợn rừng, già, rồi tự rụng (chứ không phải lấy được do săn bắn).
Vì thế, trước 1975, có câu chuyện về một người lính chế độ cũ cũng nhặt nanh lợn và thử, bằng cách để trên đầu cái cây, úp chiếc nón lên, đứng cách mấy bước và bắn nhưng không trúng nên cho rằng đúng là nanh già, tự rụng. Câu chuyện được truyền miệng và lớp trẻ nghe theo chứ không biết thực hư thế nào.
Nhưng thực tế để tìm cái nanh già không dễ, nên người ta hay dùng nanh "đại trà" để đeo, một là nhìn cũng ngầu, cũng oai, và người ta cũng suy nghĩ, ít ra thì nó cũng ngăn cản tà ma, yêu quái, không xâm phạm đến thân chủ.
Mặt khác, theo lý giải của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục đeo nanh lợn rừng xuất phát từ một số người dân tộc thiểu số ở nước ta ngày xưa. Họ coi đó là bùa hộ mạng giúp tránh thú dữ, gặp may mắn trong săn bắn vì nó làm tôn thêm vẻ uy nghiêm và mạnh mẽ của con người trước thiên nhiên hoang dã. Khi đeo chủ yếu xuất phát từ niềm tin tâm linh của người đeo chứ không phải do công dụng cụ thể của mấy chiếc nanh đó.
Còn bây giờ, nanh lợn rừng đã biến thành một thứ hàng hóa đem lại lợi nhuận.
Hải Yến