Thu Duc House và CTCP Thương mại Sài Gòn Tây Nam chiếm đoạt hàng trăm tỷ hoàn thuế VAT
Tổng cục Thuế đã xác định Công ty cổ phần (CTCP) Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) và CTCP Thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.
Tổng cục Thuế cho biết, vừa phát hiện và ngăn chặn kịp thời một số công ty (linh kiện, máy tính điện tử) có hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của Nhà nước.
Theo đó, qua việc đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan quản lý rủi ro về hoàn thuế VAT, Tổng cục Thuế đã xác định Công ty cổ phần (CTCP) Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) và CTCP Thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.
Nhận định đây là vụ án lớn, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều DN. Các đối tượng sử dụng sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và thực hiện các hành vi phạm tội khác, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế gồm: Tây Ninh, Long An, Đồng Nai tiến hành thu hồi tiền hoàn thuế, đồng thời kiểm tra các DN bán hàng cho các công ty xuất khẩu hoàn thuế nói trên.
Sau khi phát hiện Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức thực hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu trốn thuế, Cục Thuế TP HCM đã ban hành các quyết định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi tiền hoàn thuế VAT.
Tuy nhiên, ngày 26/1, Cục Thuế TP.HCM đã nhận được Quyết định số 30/2021/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân TP HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tạm đình chỉ thi hành Quyết định của Cục trưởng Cục Thuế TP HCM. Cục Thuế TP HCM khẳng định các quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi tiền hoàn thuế VAT là đúng pháp luật và cần được thực hiện ngay để đảm bảo lợi ích hợp pháp của ngân sách nhà nước.
“Trường hợp Tòa án TP HCM không hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến DN không còn tài sản để thu hồi tiền thuế cho ngân sách nhà nước thì trách nhiệm thuộc về Tòa án nhân dân TP HCM”, Tổng cục Thuế khẳng định.
Qua vụ việc vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế cũng chỉ ra một số hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT, điển hình đó là một số DN có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau nhưng khi nhập khẩu thì một số DN khai báo giá trị rất thấp, khi xuất khẩu thì lại khai báo giá trị rất cao, chênh lệch khoảng hơn 50 lần; hay các lô hàng xuất khẩu của DN có giá trị rất cao, mỗi lô hàng xuất khẩu có trọng lượng chỉ vài kilogam đến vài chục kilogam nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng. Việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.
“Để trốn tránh cơ quan chức năng, các DN bán hàng cho các DN xuất khẩu hàng linh kiện điện tử đều không có tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế... Các DN thường xuyên chuyển tiền qua lại với nhau. Hồ sơ xuất khẩu hàng hóa như: hợp đồng, hóa đơn, sổ kế toán, chứng từ thanh toán không khớp đúng với bản chất kinh tế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế Giá trị gia tăng và các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn quản lý sử dụng hóa đơn. Các DN xuất khẩu linh kiện điện tử thực chất không thực hiện giao dịch với phía nước ngoài mà chỉ nhận được phí hoa hồng đối với dịch vụ xuất khẩu. DN mua hàng (bên nhập khẩu) không tồn tại hoặc là DN bất hợp pháp tại cơ quan nước sở tại”, Tổng cục Thuế chỉ rõ.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các công việc như: rà soát các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao (linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản...) để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế VAT có rủi ro cao.
Căn cứ hồ sơ thực tế và đối chiếu với quy định của pháp luật để xử lý về hoàn thuế VAT theo quy định. Khi thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế VAT cần thực hiện đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất các giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật về thuế để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý theo quy định.
“Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra hoàn thuế VAT phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Kết thúc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc thu hồi hoàn tiền thuế VAT và xử lý vi phạm về thuế theo quy định”, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Trường hợp qua thanh, kiểm tra xác định công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì thực hiện thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) đến cơ quan Công an theo quy định và kiến nghị khởi tố. Trường hợp vụ việc phức tạp cần chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố để phối hợp với các cơ quan có liên quan trong cùng tỉnh, thành phố để kịp thời kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.
Cơ quan thuế các địa phương cần chủ động rà soát các trường hợp tương tự đối với các mặt hàng có rủi cao về hoàn thuế VAT; đồng thời công khai thông tin về các công ty vi phạm pháp luật về thuế, các công ty có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp đến người nộp thuế để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp tương tự, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời gian tới, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm.
Theo VOV