Thu ngân sách nhà nước sắp về đích
Trong số đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ), riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính cho biết, có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Tài chính đánh giá các nhiệm vụ chi được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân 9 tháng tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu; tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%); trong đó, giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 19,07% kế hoạch. Có 7 bộ và 20 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, trong khi vẫn còn 14 bộ, cơ quan trung ương và 02 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.
Theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 26/9, đã thực hiện phát hành 114,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,72 năm, lãi suất bình quân 2,62%/năm.
Bộ Tài chính cho biết đã chủ động bám sát tình hình, tham mưu hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành kịp thời, đồng bộ các giải pháp chính sách tài khóa miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí,... hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm pháp.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; cải cách hành chính và hiện đại hóa tăng cường ứng dụng điện tử, triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước; tăng cường số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế,... qua đó, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước 9 tháng, dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7-7,5%, xuất khẩu tăng 9,46%, nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021, giá dầu tiếp tục giữ mức cao (giá dầu bình quân 9 tháng là 107,05 USD/thùng), Bộ Tài chính đánh giá cả năm thu ngân sách nhà nước ước thực hiện vượt dự toán; trong đó các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất...
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, CPI 9 tháng tăng 2,73% so với đầu năm. Như vậy, dư địa kiểm soát còn tương đối lớn. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được nếu không có yếu tố tác động lớn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Truyền, từ nay đến cuối năm, vẫn còn một số yếu tố gây áp lực tăng giá như giá nhiên liệu và năng lượng từ giờ đến cuối năm chắc chắn biến động rất phức tạp, do diễn biến căng thẳng giữa Nga – Ukraine rất khó lường. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, có thể khiến giá hàng hóa tang; ảnh hưởng của thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ phức tạp, sẽ còn một số cơn bão nữa gây ngập lụt, có thể làm tăng cục bộ một số mặt hàng thiết yếu địa phương và giá lương thực thực phẩm tăng.
Ngoài ra, có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như các mặt hàng do Nhà nước định giá như điện, dịch vụ công…, theo chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo, sẽ giữ ổn định. Cùng với đó là sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách miễn, giảm thuế phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong bối cảnh đối mặt áp lực rất lớn, 9 tháng qua, nhiệm vụ và các giải pháp kiểm soát luôn nằm trong các chương trình nghị sự của Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành. Điều này cho thấy, Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực, trí lực để thực hiện mục tiêu này, không chỉ các giải pháp về tài khóa mà còn kết hợp các giải pháp về tiền tệ, công thương, sản xuất – kinh doanh
Về chính sách tài khóa, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng; đề xuất giảm thuế mặt hàng xăng dầu, từ đó giữ được giá xăng dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất. Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị nhiều phương án khác về thuế đối với mặt hàng xăng dầu, tùy thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới để sẵn sàng ứng phó.