Thu nhập đầu người tăng đến 640 USD khi áp dụng công nghệ 4.0
17:13 | 29/05/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 29/5, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 trước ngưỡng cửa nền kinh tế số, trong đó đưa ra các nội dung tổng quan về nền kinh tế thế giới và Việt Nam 2018.
Theo VEPR, thời gian qua, Việt Nam mở cửa thương mại và đầu tư, trở thành điểm quan trọng trong thương mại toàn cầu. Việt Nam nổi lên như công xưởng châu Á, chuyên môn hoá ở khâu lắp ráp với sự dẫn dắt của các công ty nước ngoài.
Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chiếm 42% và 40% giá trị xuất khẩu năm 2017, so với 11 và 41% năm 2006. Bước nhảy vọt này là kết quả của chiến lược hướng vào ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, máy tính, đồ điện tử,... với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, LG, IBM, Nokia và Intel,..
Tuy nhiên, các tập đoàn này chủ yếu nhập sản phẩm trung gian từ các chi nhánh nước ngoài, dẫn tới sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị lệch về liên kết phía sau. Ngoài điện tử, Việt Nam cũng tham gia tích cực trong các ngành thực phẩm, đồ uống, dệt may và giày dép,...
Cấu trúc thương mại của Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhập khẩu hàng hoá trung gian lên tới 47,9% lớn hơn rất nhiều lần so với xuất khẩu. Việt Nam tham gia mạnh vào liên kết phía sau hơn về phía trước trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhờ mô hình nhập khẩu để xuất khẩu phục vụ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã có tăng trưởng liên tục trong suốt thập kỷ vừa qua, giúp giải quyết việc làm, dự trữ ngoại hối và cải thiện đời sống,.. Tuy nhiên, mô hình này có thể tồn tại bao nhiêu lâu phụ thuộc vào sự bền vững của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với 2 mấu chốt là điểm tắc nội sinh của mô hình và cách thức Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, đánh giá về việc tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành Viện trưởng VEPR nhận định, ứng dụng công nghệ của giai đoạn 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD năm 2030, giúp thu nhập đầu người tăng thêm từ 315 đến 640 USD.
Cùng với đó, ông Thành cũng chỉ ra 4 kịch bản phát triển cho nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Trong kịch bản tối ưu chuyển đổi số, mức tăng thêm GDP đạt 1,1%/năm, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cơ bản ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Cùng với đó, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tăng. Song, rủi ro là nguy cơ tấn công mạng trên toàn quốc cao hơn, bất bình đẳng giữa nông thôn – thành thị gia tăng; phát sinh các vấn đề liên quan tới những việc làm bị thay thế bởi tự động hóa.
Trong kịch bản truyền thống, mức độ chuyển đổi số của Việt Nam ở mức thấp và ngành công nghệ thông tin và truyền thông hoạt động nhỏ lẻ, GDP tăng thêm chỉ đạt mức 0,38%/năm. Nhưng rủi ro của kịch bản này là năng suất lao động thấp sẽ dẫn đến mất đi năng lực cạnh tranh về kinh tế, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói trong xã hội.
Hai kịch bản còn lại là xuất khẩu số và tiêu dùng số có tăng trưởng GDP thêm ở mức tương ứng là 0,45% và 0,63%. Tuy nhiên, cả hai kịch bản này đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Vì vậy ông Thành cho rằng, vấn đề là các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng các kịch bản đó như thế nào để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam với mức độ rủi ro chấp nhận được.
Nói về nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai, ông Phạm Hùng Tiến, đại diện Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, cho biết, xu hướng số hóa và quá trình chuyển đổi số đang dần xuất hiện trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, tài chính – ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, logistics và chế biến chế tạo. Việt Nam hiện có nền tảng thể chế và công nghệ ở trình độ tương đối khá, đủ để có thể chủ động thích ứng nhằm duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia.
“Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho tương lai của các nền kinh tế năm 2018 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp hạng 48/100 về cấu trúc các ngành sản xuất; xếp hạng 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Báo cáo của Liên Hợp Quốc về chỉ số Chính phủ điện tử 2018 cho thấy, Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 88/193 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số phát triển Chính phủ điên tử. Với xếp hạng như vậy, Việt Nam đang xếp ở nhóm “sơ khởi” nhưng lại gần nhóm “tiềm năng”, cho thấy hệ sinh thái để ứng dụng và phát triển CN 4.0 của Việt Nam chưa phát triển, nhưng những trụ cột chính đều đã được tạo lập khá đầy đủ”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, những năm tới, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kinh tế. Chính phủ Việt Nam đang giữ vai trò tích cưc trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số thông qua một loại cơ chế chính sách.
“Hiện Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về mặt an ninh mạng. Tuy vậy, đó là một yếu tố chưa hoàn chỉnh, để nhận định chính xác là một việc khó khăn. Vấn đề đặt ra cho vai trò của nhà nước trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế số là có nên thắt chặt các quy định quản lý nhà nước về việc bảo hộ thị trường nhằm tạo không gian thuận lợi cho tiêu dùng và phát triển sản phẩm công nghệ số trong nước hay không?”, ông Tiến nêu vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra rằng, về trung và dài hạn, công nghiệp 4.0 với công nghệ làm đòn bẩy giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy “trung nguồn”, chiếm dần các khâu ở 2 phía thượng nguồn và hạ nguồn.
“Do đó, giải pháp ứng dụng công nghệ tạo năng suất đột phá, giúp Việt Nam “nhấc” đường cong nụ cười lên phía trên, nghĩa là tham gia ở khâu cũ nhưng năng suất mới tạo ra giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Ngoài ra, chuỗi giá trị bị bẻ sâu xuống, nghĩa là khoảng cách giá trị gia tăng giữa các khâu sẽ khác biệt nhiều hơn trước”, ông Thành nhấn mạnh…
Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi liên kết toàn cầu. Vì vậy, theo ông Thành: “Việt Nam cần tận dụng tối đa các lợi thế về ví trí chiến lược trong khu vực, các ưu đãi về thuế quan, chi phí lao động khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do”.